1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Người chia quà bằng... “kéo“

Vào ngày Việt Nam hân hoan với con số ODA 2014 được cho là “không thấp hơn mức cam kết năm 2013” (khoảng 6,5 tỉ USD), không phải nhân dân mà chính Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn rằng: “Đây không phải là tiền cho không, đây là tiền vay… Chúng ta vay hôm nay thì con cháu đời sau sẽ phải trả nợ”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mở “trận đánh lớn”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng và cuộc "hạ cánh mềm" của bất động sản. Thống đốc Nguyễn Văn Bình lạnh lùng và quyết đoán với sòng vàng. Bộ trưởng Đinh La Thăng với những cú "trảm" tiến độ... Năm bản lề trong nhiệm kỳ bộ trưởng đã qua và giờ không còn là “lần đầu đi thi”, không còn là lúc để thủ thế nữa. Những ngày cuối năm 2013 - thêm một năm nền kinh tế đối mặt với vô số những khó khăn, hãy cùng Lao Động nhìn lại những phát ngôn và hành động của các bộ trưởng dưới lăng kính thực tiễn và một chân lý: Có thể phù hợp hoặc chưa, nhưng một bộ trưởng không thể điều hành bằng cách khoanh tay trước ngực.
 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu tại nghị trường. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu tại nghị trường. Ảnh: TTXVN

 

Tìm gặp “người khổng lồ” có nghi án trốn thuế

 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhắc lại, đã có thời kỳ, chúng ta - trong một nhận thức rất nguy hiểm - nhìn nhận ODA là "thứ cho không”. Và những đồng tiền "chùa" đó, được quản lý lộn xộn đến mức bất cứ bộ nào, địa phương nào xin được (dự án) là xin, vay được là vay. Thẩm định cho có. Phê duyệt cho phải phép. Còn việc trả nợ ư? Những 40-50 năm sau, dài bằng 8-10... nhiệm kỳ, cứ hẵng hậu xét. Con cháu chúng ta phải trả thì cũng có nghĩa chẳng phải là con cháu ai cả.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

[VIDEO] Thủ đoạn mới đánh cắp thông tin thẻ tín...

 

Đã rất xa cái thời bộ trưởng phải "vác rá" đi xin gạo để lo cho cái dạ dày của dân. Nếu có một thước đo cho hiệu quả của một bộ trưởng Bộ KHĐT bây giờ thì phải là số vốn ông lo được. Và ông chia nó như thế nào. Nhớ hồi tháng 7, trong lịch trình dày đặc tiếp xúc và kêu gọi đầu tư với hàng chục doanh nghiệp ở đủ các lĩnh vực năng lượng, công nghệ cao, logistic..., tiếp xúc với những “người khổng lồ” tầm cỡ thế giới như Google, Intel, Bộ trưởng Vinh đã gặp cả Coca-Cola. Coca-Cola là ai? Là DN mà chính ông Vinh từng tuyên bố thẳng thắn: “Chúng ta không chấp nhận việc Coca-Cola đầu tư thu lợi ở Việt Nam mà không mất một đồng tiền thuế nào, chúng ta không bằng lòng và chấp nhận chuyện này”.

 

Và trong cuộc gặp gỡ ngay trên đất Mỹ với nhiệm vụ xúc tiến đầu tư đó, ông đã đề nghị Coca-Cola nên thường xuyên cung cấp thông tin và minh bạch các hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam.

 

Có thể coi đó là một lời nhắc nhở, một lời cảnh báo hoặc một đề nghị hợp tác... Nhưng đó là một lời nhắc nhở cần thiết, ngay cả khi nghi án 20 năm không đóng một đồng thuế của một “người khổng lồ” như Coca-Cola mãi vẫn là nghi án. Bởi vì 300 triệu USD hay bao nhiêu đi nữa có đổ vào và Việt Nam vẫn không thu được một đồng tiền thuế và tệ hơn, vẫn tồn tại mãi mãi những “nghi án” chưa biết bao giờ mới có kết luận thì đầu tư nước ngoài với bao nhiêu bao nhiêu triệu, tỉ USD liệu có ý nghĩa gì đối với sự phát triển và đời sống người dân (?!).

 

Xin được tặng bộ trưởng hai chữ “thẳng thắn”, không phải chỉ bởi “sự thật ODA” bây giờ ông nói.

 

“Có làm gì đâu mà tái cơ cấu”?

 

Nhớ trong phiên thảo luận ở Quốc hội hôm 24/10, cũng với sự thẳng thắn đó, ông đưa ra hàng loạt những nhận định, những con số về tình trạng người bệnh “nền kinh tế Việt Nam”.

 

Nào là chi đầu tư phát triển năm 2013 đang giảm nhất trong lịch sử Việt Nam. Nào là khoản nợ 50.000 tỉ đồng. Nào là ngân sách thâm hụt chưa từng có. Rằng nếu có vỡ nợ thì cũng là do xây dựng cơ bản tràn lan. Còn tái cơ cấu thì mới “loe hoe”, vì “có làm gì đâu mà tái cơ cấu?”. Chỉ may là chưa phải in thêm tiền. May là Quyết định 1792 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ ra kịp, và quyết liệt đến mức “Chủ tịch các tỉnh chùn tay không ký, không dám ký”, vì “không có tiền là không được ký, không có thẩm định của trung ương là không được ký”. Bộ trưởng thẳng thắn đến mức phát ngại.

 

Và trong tất tật những sự thật nghe phát ngại đó, có một chi tiết liên quan đến điều hành cụ thể của ông, về “một cái mảng dự án đầu tư từ những năm trước để lại”. Cái khoản ấy nó nặng nề, khổng lồ, dang dở, trì trệ đến mức “suốt nhiệm kỳ của tôi gánh vác cũng không hết”. Bộ trưởng Vinh một lần nữa thẳng thắn rằng việc của ông - một bộ trưởng "chia kẹo" - là “không bố trí thêm, mà chỉ cắt đi”.

 

Hãy nhìn nhận lại mốc thời gian: Nhậm chức bộ trưởng tháng 8.2011. Tháng 10.2011, tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định 1792, được đánh giá như cánh cổng, khép chặt về lý thuyết với tình trạng đầu tư công dàn trải, lãng phí, nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Nếu có 100 ngày đầu dành cho các bộ trưởng thì chắc chắn ông Vinh phải là số 1 trong việc làm ngay và luôn.

 

Phải là một người dũng cảm lắm, hoặc thản nhiên lắm với lợi quyền mới khiến một bộ trưởng về kế hoạch và đầu tư trở thành “Người chia kẹo điều hành bằng một cây kéo”.

Có thể, “lưỡi kéo” của bộ trưởng khiến các vị chủ tịch, các bộ ngành, những người có sở thích và chỉ có sở trường tiêu tiền không ưng cái bụng. Đã nửa nhiệm kỳ rồi và vị chủ tịch nào cũng muốn lưu lại một dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình; nhưng đó là một "lưỡi kéo" cần thiết mà việc ông - một trong số những người có số phiếu tín nhiệm cao, cao nhất - là một lời khẳng định.

 

Mái tóc của Bộ trưởng Vinh đã bạc đi rất nhanh sau chỉ 2 năm trở thành người "chia kẹo bằng kéo". Và dường như, sẽ còn phải bạc nữa. Bởi điều mà người dân muốn nhắc ông là cái “thời kỳ” đầu tư dàn trải, đầu tư vô tội vạ mà ông nói tới đó, thực ra nó đã chấm dứt đâu. Tâm lý tiêu tiền "chùa" giờ đây còn phổ biến lắm. Thì đó, những bảo tàng, những tượng đài, những nhà WC... vẫn được vẽ ra, trong khi người dân thiếu đến cả một cái giường bệnh đúng nghĩa của từ giường.

 

TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ: Một vị bộ trưởng dũng cảm. Nói như thế, bởi tôi thấy Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là một vị bộ trưởng nắm vững tình hình, cũng là vị bộ trưởng nắm vững số liệu cân đối lớn của quốc gia và những vấn đề liên quan.

 

Ông là vị bộ trưởng dũng cảm, không ngần ngại nói ra những khó khăn hiện tại, là vị bộ trưởng có nhiều nỗ lực đáng trân trọng trong việc tháo gỡ khó khăn đối với việc phát triển quá đáng về đầu tư công. Những phát biểu của Bộ trưởng Vinh tại Quốc hội là những phát biểu hiếm hoi về việc không né tránh khó khăn, không hoa mỹ, nói đúng địa chỉ, đúng tên của vấn đề...

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Tôi trông chờ đóng góp của bộ trưởng. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là một trong số vị bộ trưởng tốt hiếm hoi mà chúng ta đang có hiện nay. Có những vị bộ trưởng chưa chứng tỏ được tư duy, năng lực xứng tầm.

 

Nhưng ông Vinh thì chứng tỏ được tư duy năng lực xứng tầm bộ trưởng một bộ quan trọng hàng đầu VN... Tôi trông chờ sự đóng góp của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh vào việc thúc đẩy cải cách thể chế ở VN – một trong ba đột phá chiến lược rất quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế đất nước.

 

C.Thắng ghi

 

Theo Đào Tuấn

Lao động
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm