1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bộ Thương mại Mỹ điều trần về hàng dệt may Việt Nam

Theo tin từ Hội đồng thương mại Việt - Mỹ, cuộc điều trần công khai của Bộ Thương mại Mỹ về cơ chế giám sát nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam (VN) sẽ diễn ra tại Washington lúc 9h sáng nay 24/4 (khoảng 21h giờ VN).

Trong vòng hai giờ, đại diện của các cơ quan và tổ chức tại Mỹ liên quan như Bộ Thương mại, Hiệp hội Giày dép và quần áo, Hội đồng quốc gia các  tổ chức dệt may, Liên hiệp Bán lẻ quốc gia, các tập đoàn mua bán, phân phối hàng dệt may lớn của Mỹ… sẽ phát biểu về tình hình nhập khẩu hàng dệt may từ VN.

Hai đại diện VN được mời tham dự và phát biểu là ông Nguyễn Duy Khiên, tham tán thương mại tại Đại sứ quán VN tại Mỹ và ông Lê Xuân Dương, giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại VN tại New York.

Theo Hiệp hội Thương mại Mỹ tại VN, một số mặt hàng như quần dài, áo sơmi, đồ lót, đồ bơi, áo len dài tay đang nằm trong danh mục “các chủng hàng nhạy cảm” bị để mắt nhiều hơn cả. Năm ngoái, VN xuất sang Mỹ 3,4 tỉ USD hàng may mặc, chiếm gần 40% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ VN.

Mỗi diễn giả chỉ có năm phút để trình bày, năm phút để nghe các câu hỏi từ ban điều hành phiên họp. Theo ông Lê Quốc Ân - chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, trong tất cả ý kiến đưa ra trình bày tại phiên điều trần, đáng ngại nhất vẫn là ý kiến của Hiệp hội Dệt Hoa Kỳ. Đây là tổ chức bảo vệ mạnh mẽ quan điểm ngành dệt may VN có khả năng gây nguy hại cho ngành dệt may Hoa Kỳ, cần thiết phải đưa VN vào diện kiểm soát đặc biệt cho vấn đề nhập khẩu hàng dệt may từ VN.

Tuy nhiên, ông Ân nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của VN trong phiên điều trần là vẫn giữ vững lập trường: xuất khẩu hàng may mặc của VN vào Hoa Kỳ không gây bất cứ một mối đe dọa nào đối với ngành công nghiệp tương tự của Mỹ kể cả việc bán phá giá.

Cuộc điều trần này nằm trong khuôn khổ các cuộc phân tích số liệu sáu tháng một lần do Bộ Thương mại Mỹ thực hiện trong chương trình giám sát hàng dệt may VN có hiệu lực sau khi VN chính thức trở thành thành viên WTO. Đây là một động thái của Chính phủ Mỹ nhằm đổi lại sự ủng hộ của hai nghị sĩ tại quốc hội đối với việc thông qua qui chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn đối với VN.

Theo trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ phụ trách vấn đề nhập khẩu David Spooner, tình hình xuất khẩu hàng dệt may từ VN sang Mỹ trong vòng hai tháng đầu năm 2007 là lành mạnh.

Ông vừa có chuyến làm việc tại VN và cho biết các nhà sản xuất VN cũng như các nhà nhập khẩu, bán lẻ Mỹ phàn nàn rằng các đơn hàng của quí 3, quí 4 năm nay đã giảm đi, vì nhiều nhà nhập khẩu, bán lẻ Mỹ tạm ngừng giao dịch để xem Bộ Thương mại Mỹ sẽ làm gì với chương trình giám sát này.

Theo Cẩm Hà - T.V.N
Báo Tuổi trẻ