Bộ Tài chính: Doanh nghiệp sữa có biểu hiện thao túng, chuyển giá

(Dân trí) - Đại diện Bộ Tài chính thừa nhận giá bán sữa bột của Việt Nam cho trẻ dưới 6 tuổi đang cao hơn các nước trong khu vực và cũng hé lộ khả năng doanh nghiệp sữa có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài.

Bộ Tài chính vừa họp báo về công tác quản lý, điều hành giá sữa trong thời gian qua và biện pháp quản lý giá trong thời gian tới vào chiều qua, 14/5.

Theo tài liệu từ Vụ Kinh tế tổng hợp (Bộ Ngoại giao) cung cấp, giá bán trung bình trên kilogram của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi bước 1 - bước 4 (tất cả các nhãn hàng) của Việt Nam là 16 USD/kg; trong khi Thái Lan là 14 USD/kg; Philippines là 12,9 USD/kg; Malaysia là 10,9 USD/kg và Indonesia là 9,5 USD/kg.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Lý giải cho sự khác nhau trên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, đó là do nhiều yếu tố như môi trường kinh doanh, chính sách ưu đãi, đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường, đặc biệt là quy mô, cơ cấu, mật độ, nhu cầu, tập quán tiêu dùng của khách hàng. Đây là lý do khiến nhà sản xuất sẽ có những chính sách phân phối, mức giá khác nhau cho mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, Nhà nước thực hiện bình ổn giá sản phẩm sữa bằng 2 biện pháp: Quản lý giá tối đa đối với sản phẩm sữa trong thời hạn 12 tháng và đăng ký giá đối với sản phẩm sữa trong thời hạn 6 tháng.

Tính đến nay, cơ quan quản lý giá từ trung ương đến địa phương đã rà soát, công bố công khai giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai của 708 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Giá bán lẻ giảm từ 0,1% - 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá, qua đó cơ bản ổn định giá sữa liên tục trong thời gian 12 tháng.

“Hiện nay, qua nắm bắt thông tin và báo cáo của các địa phương, mức giá bán lẻ của một số sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi trên thị trường đã giảm so với mức giá trước đó với tỷ lệ giảm 1-5,5%”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, đại diện của Cục Quản lý giá cũng chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý giá sữa như: Nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định và có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam do đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa. Bên cạnh đó, thông tin để so sánh sản phẩm cùng loại tại các thị trường trong khu vực ASEAN còn rất hạn chế.

Đây là lần đầu áp dụng biện pháp xác định giá tối đa đối với mặt hàng có nhiều chủng loại khác nhau, nhiều doanh nghiệp tham gia nên việc triển khai biện pháp giá tối đa còn có vướng mắc khi thực hiện đến khâu bán lẻ. 

Về thông tin về giá sữa nguyên liệu giảm nhưng giá sữa trong nước không giảm, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, giá sữa nguyên liệu trên thế giới có xu hướng giảm nhưng tờ khai của doanh nghiệp nhập khẩu qua hải quan không thấy đánh giá tới tác động giảm này, dẫn tới nghi vấn chuyển giá.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết chưa thể trả lời khi nào có kết luận cuối cùng về những doanh nghiệp chuyển giá, bởi đây là công tác đòi hỏi cần sự cẩn trọng.

 An Hạ


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”