1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ Công Thương nói gì về mối lo 675 điều kiện kinh doanh bị chặt lại mọc ra các quy chuẩn khác?

(Dân trí) - Tại Toạ đàm "Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp" do Báo Lao Động tổ chức sáng nay (18/10), ông Nguyễn Sinh Nhật Tân Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương khẳng định: Không có chuyện cắt bỏ các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) rồi Bộ Công Thương lại “đẻ” ra thêm các tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định khác.

Những ngày qua, xung quanh quyết định lịch sử cắt giảm hơn 675 ĐKKD của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, dư luận quan tâm, ủng hộ và tán đồng.

Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp (DN) tỏ ra nghi ngại về quyền và lợi ích chi phối trong 675 ĐKKD này lại được đưa vào các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Bộ Công Thương thời gian tới.

Bộ Công Thương khẳng định: Không có chuyện cắt bỏ các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) - giấy phép con rồi lại “đẻ” thêm các tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định khác.
Bộ Công Thương khẳng định: Không có chuyện cắt bỏ các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) - giấy phép con rồi lại “đẻ” thêm các tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định khác.

Thay mặt Bộ Công Thương, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nhật Tân phân tích: ĐKKD thường mang tính chất áp dụng lúc đầu (điều kiện đầu vào), kể cả điều kiện liên quan tới các chủ thể, vốn đầu tư...Sau đó mới đưa ra áp dụng cho quá trình sản xuất để đảm bảo sản phẩm đúng tiêu chuẩn, chất lượng đề ra.

"Tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm để tạo nền tảng cho cơ sở đó hoạt động đúng pháp luật. Cái nào mang tính định lượng như khoảng cách an toàn, độ cao của nhà xưởng... nó có sự khác nhau. Bộ Công Thương hiện đang rà soát để sắp xếp lại, trả lại cho đúng bản chất các loại ĐKKD và cái nào là tiêu chuẩn, quy chuẩn. Không có chuyện cắt bỏ các ĐKKD rồi lại “đẻ” thêm các tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định khác", đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương nói.

Ông Tân chia sẻ thêm: Chủ trương của Bộ Công Thương trong bãi bỏ ĐKKD là thay đổi tư duy quản lý nhà nước, bãi bỏ tư duy quản lý trực tiếp can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh sang thúc đẩy kinh cạnh tranh, sáng tạo. Đó là thông điệp chính của cuộc cải cách lần này.

Cũng tại buổi Tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: Việt Nam đang có quá nhiều ĐKKD là những giấy phép con, cháu… cản trở tự do kinh doanh, đặt giới hạn và chưa phù hợp với đời sống kinh tế hiện đại, cần được bãi bỏ gấp.

"Chúng ta phải hình dung hiện nay nước ta có hơn 500.000 DN, nhưng sắp tới có thể là 2 triệu, 3 triệu DN. Như vậy việc kiểm soát 100% số DN này, cả ở khâu tiền kiểm và hậu kiểm là điều không thể", ông Hiếu nói.

Ví dụ minh chứng về ĐKKD trong quản lý an toàn thực phẩm, ông Hiếu thừa nhận: Đây là một lĩnh vực rất khó, cá nhân tôi cũng là người đọc khá nhiều tài liệu và các phương pháp cách thức tiếp cận về lĩnh vực an toàn thực phẩm, thấy rằng chúng ta có sự chồng chéo quản lý, đưa ra nguyên tắc chung chung.

Ông Hiếu cho biết: "Ở các nước, họ nghiên cứu khá kỹ cách làm để quản lý an toàn thực phẩm, họ không có khái niệm quản lý nhà nước một cách chung chung, an toàn thực phẩm một cách chung giữa ba bộ, bốn bên. Người ta đã phân loại nó, ví dụ, sự an toàn thực phẩm nằm ở đâu, ở khâu nào".

Ông Hiếu nhấn mạnh: "Tôi nghĩ, đã đến lúc Bộ Y tế và một số Bộ liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm cần thay đổi tư duy. Chúng ta không thể nói quản lý nhà nước một cách chung được vì đây là vấn đề dư luận đang đặc biệt quan tâm và có tác động trực tiếp đến mọi người dân".

Theo kết quả rà soát các ĐKKD của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện CIEM, hiện cả nước có 243 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có các ĐKKD , tương ứng khoảng 4.284 yêu cầu, điều kiện đặt ra buộc DN phải đáp ứng. Bộ Công Thương được xem là nơi có số ĐKKD nhiều nhất trong các bộ, ngành quản lý chuyên môn với trên 1.100 ĐKKD.

Hiện các quy định về ĐKKD đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế như tạo rào cản bất hợp lý đối với DN trong đầu tư, gia nhập thị trường; làm hạn chế số lượng DN đăng ký mới. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã phải từ bỏ ý định kinh doanh sau khi tìm hiểu quy định pháp luật về ĐKKD. ĐKKD làm giảm năng suất, giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của DN và nền kinh tế.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm