Bộ Công Thương hợp tác Samsung đào tạo 200 chuyên gia khuôn mẫu

(Dân trí) - Dự án hợp tác đào tạo nhân lực khuôn mẫu Việt Nam do Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam phối hợp thực hiện được kỳ vọng sẽ tạo nên đội ngũ chuyên gia để nâng cao trình độ thiết kế, chế tạo và sản xuất khuôn mẫu ở Việt Nam.

Ngày 14 tháng 07 năm 2020 tới đây, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Samsung Việt Nam tổ chức “Lễ khai mạc dự án hợp tác đào tạo nguồn nhân lực khuôn mẫu Việt Nam” tại 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Lễ khai mạc dự kiến do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì với sự tham dự của trên 100 đại biểu khác, nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của lĩnh vực khuôn mẫu trong sản xuất công nghiệp và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Sự kiện tập trung giới thiệu, quảng bá và chia sẻ thông tin khóa đào tạo đến đông đảo các cơ quan, tổ chức, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong lĩnh vực khuôn mẫu Việt Nam.

Sự kiện được triển khai trên cơ sở ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong dự án đào tạo nguồn nhân lực khuôn mẫu Việt Nam giai đoạn 2020 – 2023, nằm trong khuôn khổ kỳ họp 9 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Hàn Quốc ngày 22 - 10 - 2019 tại Seoul giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là đào tạo 200 chuyên gia khuôn mẫu, nâng cao trình độ thiết kế, chế tạo và sản xuất khuôn mẫu với độ gia công chính xác cao, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu về khuôn mẫu của các doanh nghiệp Việt Nam, nhằm nâng cao tính chủ động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như khả năng tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu.

Bộ Công Thương hợp tác Samsung đào tạo 200 chuyên gia khuôn mẫu - 1

Do đó, sự kiện “Lễ khai mạc dự án hợp tác đào tạo nguồn nhân lực khuôn mẫu Việt Nam” nhằm quảng bá rộng rãi, cũng như thông tin chương trình đào tạo đến cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực khuôn mẫu nói riêng. Với đội ngũ nhân lực được đào tạo, có trình độ quản lý, nghiệp vụ sản xuất theo tiêu chuẩn của nhiều nước tiên tiến, sẽ tạo nên tính lan tỏa mạnh mẽ cho phát triển nguồn nhân lực ngành khuôn mẫu trong tất cả các lĩnh vực sản xuất.

Được xem là “nền tảng của nền công nghiệp”, sản xuất khuôn mẫu đang phát triển theo hướng tập trung đầu tư và phát triển công nghệ. Với khả năng tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, thời gian sản xuất ngắn, và mức độ ổn định cao, các sản phẩm khuôn mẫu là công cụ không thể thiếu trong rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp, từ các sản phẩm đồ gia dụng đến các sản phẩm hàng không và điện tử hiện đại. Với Việt Nam, giá trị của ngành công nghiệp khuôn mẫu, cơ khí chính xác tại Việt Nam hiện đạt khoảng trên 1 tỷ USD/năm; với tỷ lệ tăng trưởng 18%/năm, ngành này đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bộ Công Thương hợp tác Samsung đào tạo 200 chuyên gia khuôn mẫu - 2

Trong thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất. Hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, song mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên trong giá trị 1 tỷ USD thì doanh nghiệp trong nước mới chiếm khoảng 42%, còn lại là nhóm doanh nghiệp nước ngoài. Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm 8,5% khuôn ép, còn lại là khuôn dập. Do đó, nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, cơ khí, chi tiết máy, linh kiện… để nâng cao chất lượng sản phẩm là rất lớn, giúp doanh nghiệp nội địa tăng năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trên thực tế, ở những đất nước phát triển tiên tiến như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc đã ứng dụng các tiến bộ của công nghệ từ lâu không chỉ cho ngành công nghiệp sản xuất khuôn mẫu mà cho tất cả các lĩnh vực khác. Các nước này đã hình thành các tổ hợp sản xuất chất lượng cao như thiết kế chế tạo khuôn dập nóng, dập nguội, khuôn đúc áp lực, khuôn dập tư động,... chuyên cung cấp các dịch vụ nhiệt luyện cho các công ty chế tạo khuôn khác, thiết kế các chi tiết tiêu chuẩn để phục vụ quá trình chế tạo khuôn mẫu như các khối khuôn, lò xo, trụ dẫn, cao su ép nhãn, bộ đế khuôn,... tất cả đều đạt tiêu chuẩn và độ chính xác cao. Ngoài ra, họ còn cung cấp các phần mềm sử dụng trong sản xuất khuôn mẫu như CAE, CAD, CAM,....

Mặt bằng chung của công nghiệp khuôn mẫu thế giới có 5 hạng mục bao gồm thiết kế, gia công, nhiệt luyện, xử lý bề mặt, lắp ráp và đo kiểm thì công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay ở tỷ lệ 70,36%. Còn nếu xét trong 5 cấp độ năng lực công nghệ, các doanh nghiệp nội đã sản xuất những sản phẩm cấp 3 và 4, những sản phẩm trong nhóm cấp 1 và 2 vẫn phải nhập khẩu từ các tập đoàn lớn trên thế giới, đặt ra nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất khuôn mẫu và chất lượng sản phẩm trong thời gian tới.

Trường Thịnh