Bộ Công thương đề nghị nới lỏng quản lý giá điện

(Dân trí) - Bộ Công Thương cho rằng, Nhà nước chỉ kiểm soát giá đối với khung giá phát điện, giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, phí dịch vụ điều độ hệ thống điện, phí dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.

Bộ Công thương đề nghị nới lỏng quản lý giá điện
Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định luật chưa tìm được tiếng nói chung về sự can thiệp của Nhà nước vào giá điện (ảnh minh họa).

Bộ Công Thương mới đây vừa có văn bản đề xuất chỉnh sửa một số nội dung của dự thảo Luật Giá.

Tại văn bản này, Bộ Công Thương kiến nghị, đối với lĩnh vực điện lực, Nhà nước chỉ kiểm soát giá đối với khung giá phát điện, giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, phí dịch vụ điều độ hệ thống điện, phí dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Đây cũng là những nội dung đã được quy định tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Theo đó, trong lộ trình phát triển, thị trường điện Việt Nam sẽ đi qua 3 cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Tuy nhiên, thị trường điện cạnh tranh chỉ hình thành và phát triển ở các khâu phát điện và bán lẻ điện. Còn tại khâu truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực và dịch vụ phụ trợ hẹ thống điện thì vẫn còn mang tính độc quyền, không thể áp dụng mô hình thị trường cạnh tranh, vì vậy, Nhà nước vẫn cần có cơ chế để kiểm soát giá ở các khâu dịch vụ độc quyền để đảm bảo người sử dụng điện trả giá điện hợp lý.

Hai dự thảo luật “đánh” nhau về giá điện

Tại nội dung cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm định giá đối với điện, Bộ Công thương chỉ ra những điểm không “khớp” và bất cập giữa Dự thảo Luật Giá và Luật Điện lực.

Nếu như tại Dự thảo Luật giá có quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định: Phê duyệt giá bán lẻ điện bình quân theo quy định của Luật Điện lực” thì ở Dự thảo 5 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực trình Quốc hội lại quy định: “Giá bán lẻ điện do đơn vị điện lực xây dựng căn cứ cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định”.

Bộ Công thương lập luận, giá bán điện bình quân chỉ phù hợp với giai đoạn hiện tại, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang là đơn vị mua duy nhất và là đơn vị bán lẻ duy nhất.

Đến khi cấu trúc thị trường thay đổi theo các cấp độ, các quy định về giá điện cũng phải được thay đổi thích hợp. Cụ thể, khi có thị trường bán buôn điện và thị trường bán lẻ điện thì sẽ có nhiều đơn vị kinh doanh mua bán điện. Lúc đó, giá bán lẻ điện sẽ chịu nhiều tác động của cơ chế thị trường ở nhiều khâu hơn và có thể sẽ khác nhau ở các vùng khác nhau.

Do vậy, theo Bộ Công Thương, trong trường hợp đó, quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá bán lẻ điện bình quân sẽ không còn phù hợp và không khả thi. Do vậy, Bộ này đề nghị cơ chế quản lý giá điện trong Luật Giá nên bỏ quy định này.

Nhà nước chỉ nên “chốt” mức giá bán lẻ cuối cùng?

Trước đó, vẫn đề này cũng đã làm “nổ” ra tranh cãi nảy lửa giữa Bộ Tài chính và cơ quan thẩm định ở Ủy ban Tài chính – Ngân sách ở nghị trường Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp này, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đã phủ nhận về ý kiến của liên Bộ Công thương và Tài chính, cho rằng, “Tinh thần của TVQH là nhà nước đưa ra giá bán lẻ bình quân còn tất cả các giá còn lại thì theo cơ chế thị trường” còn nếu như chia ra, Nhà nước can thiệp từng khâu như đề xuất của 2 Bộ sẽ là một bước lùi. Còn Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã có những phản ứng gay gắt trước thềm cuộc họp, phản đối quan điểm của Ủy ban thẩm định.

Liên Bộ Công thương - Tài chính kiên quyết bảo vệ quan điểm, khi tiến vào thị trường cấp phát điện cạnh tranh, nhà nước không định mức giá cụ thể nhưng sẽ cần quy định khung giá để tránh hiện tượng giá quá cao ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống trong khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu điện; bên cạnh đó, đảm bảo chi phí sản xuất điện hợp lý

Đưa ra kết luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra nghiêng về ý kiến của bên Ủy ban cho rằng, trong cơ cấu giá điện có nhiều loại giá và phí (8 loại giá, 2 loại phí) nên Bộ Tài chính không thể “bao” hết mà chỉ có thể giám sát rồi trình Thủ tướng ban hành một mức giá điện chung gọi là giá bán lẻ. Giá bán lẻ đó dành cho các đối tượng khác nhau lại khác nhau. Chứ Nhà nước không định giá ở từng khâu, từng khúc.

“Sau này phát triển thị trường điện cạnh tranh thì tải điện cũng phải tách ra, nhà nước cũng không còn được độc quyền. Anh nào tài giỏi thì anh đó được cấp, để làm lợi cho người tiêu dùng” – Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Cho đến thời điểm hiện tại, các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề này.

Bích Diệp