1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ Công Thương công bố giải pháp ứng phó nguy cơ thiếu điện

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Trước nguy cơ thiếu điện, Bộ Công Thương đã đưa ra một loạt giải pháp. Bộ cho rằng, khi các giải pháp này được triển khai đồng bộ, Việt Nam có khả năng đảm bảo cung ứng điện.

Bộ Công Thương công bố giải pháp ứng phó nguy cơ thiếu điện - 1

Bộ Công Thương đã nêu rõ về nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục.

Tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc

Trong báo cáo trước phiên giải trình tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương đã nêu rõ về nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể theo Bộ Công Thương, trong quá trình phát triển, ngành điện cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức và còn tồn tại những hạn chế.

Những hạn chế này là nguyên nhân dẫn tới trong giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ một loạt các giải pháp.

Cụ thể như việc bổ sung các nguồn điện gió, điện mặt trời vào vận hành giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung thêm các nguồn điện khí sử dụng LNG.

Đồng thời tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, xem xét nhập khẩu thêm điện năng từ Trung Quốc.

Ngoài ra bổ sung và xây dựng lưới điện đồng bộ để giải phóng công suất các nguồn điện; có các giải pháp khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

“Khi các giải pháp này được triển khai đồng bộ, Việt Nam có khả năng đảm bảo cung ứng điện trong giai đoạn 2021 - 2025”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Theo số liệu Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh tăng 2,35 lần so với năm 2010 (101,4 tỷ kWh).

Sản lượng điện thương phẩm toàn quốc năm 2019 đạt 209,77 tỷ kWh, tăng 2,46 lần so với năm 2010 (85,4 tỷ kWh), tương ứng tăng trưởng điện thương phẩm bình quân cả giai đoạn 2011-2019 là 10,5%/năm (giai đoạn 2011-2015 tăng 10,97%/năm và giai đoạn 2016-2019 tăng 9,49%/năm). 

Sản lượng điện thương phẩm bình quân trên đầu người tăng 2,2 lần, từ 982 kWh/người (năm 2010) lên 2.180 kWh/người (năm 2019).

Phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý

Báo cáo về cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu phụ tải điện của hệ thống điện quốc gia trong năm 2020 dự kiến đạt 255,6 tỷ kWh, tăng 6,5% so với năm 2019 , thấp hơn khoảng 4 tỷ kWh (do ảnh hưởng của dịch Covid-19) so với mức dự báo đưa ra trước đó.

Theo kết quả dự báo mới nhất do Viện Năng lượng tính toán cho đề án Quy hoạch điện VIII, ở kịch bản cơ sở, nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030 với điện thương phẩm năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh.

Theo đó, điện thương phẩm sẽ giảm 15 tỷ kWh vào năm 2025 và khoảng gần 230 tỷ kWh vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

“Tuy nhiên, do nhiều nguồn điện lớn bị chậm tiến độ, nên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với công tác cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025”, Bộ Công Thương cho biết.

Vì vậy, để đảm bảo cân đối cung cầu điện từ năm 2021, Bộ này cho rằng cần nghiên cứu các giải pháp vận hành để sử dụng tối đa các nguồn điện hiện có và giải pháp tăng cường phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo do có thể triển khai xây dựng nhanh.

Trong giai đoạn trung hạn và dài hạn ngành điện Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết sẽ ưu tiên phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo (đặc biệt là điện gió, điện mặt trời); chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống.

Ngoài ra phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm