Bộ Công thương cảnh báo nạn hacker lừa đảo doanh nghiệp
(Dân trí) - Bộ Công thương cho biết, mới đây, một công ty đã may mắn thu hồi được khoản tiền 18.720 USD từ hành vi lừa đảo công nghệ tinh vi của hacker. Đây là một bài học để các doanh nghiệp tham khảo.
Việc giao dịch được chủ yếu thực hiện qua môi trường Internet, các doanh nghiệp không cẩn thận dễ dính bẫy của hacker
Theo đó, vào ngày 22/11/2014, Công ty A có trụ sở tại Thành phố Đà Nẵng có ký Hợp đồng mua hàng (nhựa đường) với Công ty B tại Dubai - UAE.
Đến ngày 10/12/2014, Công ty A chuyển 30% tiền cọc của hợp đồng với số tiền là 18.720 USD cho đối tác. Số tiền này được chuyển đi từ một Ngân hàng C của Việt Nam đến Ngân hàng Emirates Islamic Bank.
Đúng ra, số tiền này phải được chuyển đến tài khoản của bên bán hàng là Công ty B theo hợp đồng đã ký. Nhưng vào ngày 5/12/2014, Công ty A lại nhận được một Email gần giống Email của Công ty B và yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản khác. Lệnh yêu cầu chuyển tiền lần này được làm thành 1 file đính kèm gửi riêng có đầy đủ chữ ký và con dấu của Công ty B.
Điều đáng chú ý là liên tục trong 5 ngày, kể từ ngày Công ty A nhận được email nói trên thì tất cả email của Công ty B không thể gửi vào hộp thư của Công ty A. Vì tin tưởng chữ ký và con dấu của Công ty B, không nhận ra Email này của Hacker, nên Công ty A vẫn gửi Email thông báo đã chuyển tiền ngày 10/12/2014.
Phải đến ngày 13/12/2014, bên bán hàng mới liên hệ được với Công ty A (qua skype) thì mới biết họ không hề có yêu cầu Công ty A thay đổi tài khoản chuyển tiền. Như vậy, số tiền trên chắc chắn đã được chuyển đến một tài khoản lạ và đương nhiên đã bị mất.
Trước tình hình trên, Công ty A ngay lập tức thông báo với Ngân hàng C-Chi nhánh Đà Nẵng và Ngân hàng Emirates Islamic Bank bằng mọi hình thức, như điện thoại, Email, gửi điện khẩn... Đồng thời Công ty A đã liên hệ với Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại UAE để nhờ giúp đỡ.
Sau khi nắm được vụ việc, trên cơ sở đề nghị của Công ty A, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại UAE đã can thiệp ngay với Ngân hàng Emirates Bank, khẩn cấp phong tỏa số tiền trên để Ngân hàng C của Việt Nam làm các nghiệp vụ thu hồi lại số tiền trên về cho Công ty A.
Ngày 31/12/2014, Công ty A đã nhận được tin vui từ Ngân hàng C tại Việt Nam cho biết, Ngân hàng Emirates Islamic Bank đã gửi điện thông báo chuyển số tiền 18.720 USD về Việt Nam cho Công ty A.
Bộ Công Thương cho biết, kết quả này có được là do sự phối hợp kịp thời, nhanh chóng, tích cực và quyết liệt của các Bên, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực và kịp thời của Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại UAE. Trường hợp của Công ty A là một cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp cần thận trọng hơn khi thực hiện giao dịch và thanh toán quốc tế và nếu vụ việc xảy ra thì phải kịp thời thông báo cho các bên liên quan, đặc biệt là cơ quan Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để có dự tư vấn, hỗ trợ cần thiết.
Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á cảnh báo các doanh nghiệp cần lưu ý trong kinh doanh quốc tế, các thủ đoạn gian lận, lừa đảo có thể xảy ra với nhiều hình thức khác nhau và doanh nghiệp cần có giải pháp đối phó thích hợp. Khi tình huống xảy ra, các doanh nghiệp Việt Nam nên liên hệ ngay với Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại để có được sự can thiệp kịp thời.
Bích Diệp