Biến động tài chính toàn cầu và Việt Nam
Ngày 22/1/2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra một quyết định hết sức quyết đoán, cắt giảm lãi suất 0,75% đối với USD, mức cắt giảm cao nhất trong khoảng 20 năm qua.
Trước thời điểm đó, hầu hết những người quan tâm đến thị trường tài chính toàn cầu đang hồi hộp đếm từng giây đến giờ mở cửa của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ để chứng kiến một "ngày thứ Ba đen tối" được dự báo từ trước, trong lúc đa số các thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu đã có những mức giảm kỷ lục vì lo sợ tác động của suy thoái kinh tế thế giới.
Nhưng việc cắt giảm lãi suất của FED đã là một liều kháng sinh cực mạnh, làm dứt cơn suy giảm mạnh của giá chứng khoán toàn cầu với kết quả chỉ số công nghiệp Dow Jones chỉ mất hơn 1%, S&P 500 mất hơn 2% một chút, thấp hơn rất nhiều mức mà nhiều người cho rằng có thể vượt quá 10% làm cho sàn giao dịch chứng khoán New York phải đóng cửa sớm.
Hơn thế, vào ngày hôm sau, chỉ số của nhiều thị trường châu Á đã phục hồi với điển hình là Hangseng tăng 10,72% và Dow Jones cũng tăng 299 điểm (tương đương 2,5%).
Tuy nhiên, lo ngại vẫn bao trùm trên thị trường châu Âu khi mà các chỉ số chính lại tiếp tục giảm một vài phần trăm. Chính điều này mà đến ngày 30/1 (chỉ sau đúng 8 ngày), một lần nữa, FED lại cắt thêm 50 điểm phần trăm (0,5%) với mục tiêu là vực dậy nền kinh tế Hoa Kỳ.
Sự kiện này, một lần nữa chứng tỏ “sức nặng nghìn cân” của những quyết định cũng như vai trò của FED đối với nền kinh tế toàn cầu. Và khi nhìn chi tiết vào sự kiện này và những vấn đề liên quan, người ta có thể thấy nhiều ngụ ý cho Việt Nam.
Khả năng phản ứng tức thời
Sở dĩ quyết định của FED có tác động lớn như vậy là do năng lực và tính độc lập của nó. Không ai nghi ngờ điều này. Không chỉ các ngân hàng Hoa Kỳ mà hầu hết các tổ chức tài chính thế giới đều coi FED như người “cứu tinh” cuối cùng.
Với khả năng nghiên cứu và cấu trúc độc lập của mình, FED có thể “đo” từng biến động của không chỉ nền kinh tế Hoa Kỳ mà cả nền kinh tế toàn cầu và có thể đưa ra những quyết định hết sức độc lập và mạnh mẽ.
Thêm vào đó, FED biết rằng, hầu hết các tổ chức tài chính cũng như chính phủ nhiều nước (nhất là các cơ quan điều hành chính sách tài chính, tiền tệ) luôn dõi theo từng bước đi của họ với một điều chắc chắn rằng, trước khi thị trường chứng khoán Hoa Kỳ mở cửa (buổi tối ở châu Á và châu Âu), những người điều hành chính sách tiền tệ (thậm chí là những người đứng đầu chính phủ) ở nhiều nước đã nhóm họp bất thường để chuẩn bị ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra với hệ thống tài chính toàn cầu mà nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước này.
Theo kịp hay không theo kịp?
Quyết định của FED đã được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, nhìn vào nguyên nhân dẫn đến những rắc rối của hệ thống tài chính hiện đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, ta sẽ thấy một câu chuyện hoàn toàn khác.
Câu chuyện này được cho là đã bắt nguồn từ nhiều năm trước đây. Sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Đông Á năm 1997 và liên tiếp những cuộc khủng hoảng sau đó, nhiều người cho rằng, Hoa Kỳ có hệ thống tài chính an toàn và phát triển nhất thế giới nên đã đổ tiền vào. Nước Mỹ nhận được rất nhiều tiền và các tổ chức tài chính Hoa Kỳ bắt đầu tìm cách sử dụng nguồn vốn dồi dào sẵn có.
Một thị trường rộng lớn với các công cụ tài chính tinh vi hơn bắt đầu được khai phá, đó chính là việc cấp tín dụng cho những đối tượng có mức tín nhiệm không đủ để vay vốn thông thường hay những người không có hồ sơ tín dụng để mua nhà dưới dạng thế chấp cũng như một số loại hình tín dụng khác.
Điều đáng lưu ý là khi các công cụ tài chính ra đời với các đối tượng rất mới thì các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, người được các ngân hàng trả tiền để làm việc này, lại dựa vào những kinh nghiệm đã qua, những công cụ truyền thống để đánh giá, phân tích nên đã không lường hết mức độ rủi ro và sự phức tạp của chúng.
Kết quả là cho dù các công cụ tài chính dùng để phòng ngừa rủi ro có tinh vi đến mức nào, nhưng những người đi vay không có khả năng trả nợ thì rắc rối cũng xảy ra. Kết quả là các tổ chức tài chính đã thiệt hại hơn 100 tỷ đôla và có khả năng sẽ làm cho nền kinh tế Hoa Kỳ cũng như cả thế giới rơi vào suy thoái.
Nguyên nhân của vấn đề, được hầu hết mọi người đồng ý, là do các sản phẩm tài chính đã phát triển quá nhanh, trong khi khả năng nhìn nhận và đánh giá vấn đề của cả các nhà quản lý doanh nghiệp cũng như các nhà hoạch định chính sách hay cơ quan quản lý có giới hạn, và đã không theo kịp sự tiến triển này.
Nói một cách đơn giản là, những người vận hành và quản lý thị trường đã không theo kịp thị trường.
Và Việt Nam?
Thoạt nhìn sự kiện nêu trên có thể chỉ là cơn gió thoảng đối với chúng ta vì trong trường hợp nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, nhưng có lẽ sẽ không nhiều lắm vì xuất khẩu có thể giảm nhưng không quá nhiều và đột ngột và sự thay đổi dòng vốn vào Việt Nam cũng không đáng kể.
Tuy nhiên, qua sự kiện này nhìn lại hệ thống tài chính Việt Nam, sẽ thấy nhiều vấn đề đáng quan tâm, mà trong đó, sự nở rộng của các tổ chức tài chính, sự biến động "không giống ai" của thị trường chứng khoán, trong khi khả năng nắm bắt vấn đề và đưa ra các giải pháp phù hợp đang là những câu hỏi rất lớn.
Liệu Hội đồng Tài chính tiền tệ Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán có thể nắm bắt kịp thời sự luân chuyển hết sức phức tạp của các dòng vốn, những biến động lớn ở các tổ chức cũng như trên các thị trường tài chính hay không? Đó là chưa kể, việc theo dõi những biến động của nền kinh tế toàn cầu từng giờ - như các nước hay làm - đang được tổ chức như thế nào?
Việc những người vận hành và quản lý thị trường không theo kịp thị trường là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng ở khu vực cách đây 10 năm. Câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra với những nền kinh tế tiên tiến nhất trên thế giới này. Với những gì đang xảy ra ở Việt Nam, liệu Việt Nam có gặp phải tình trạng tương tự hay không?
Theo Huỳnh Thế Du
VnEconomy