BIDV thu "đậm" từ lãi cho vay

(Dân trí) - Lãi suất giảm, nhưng với tăng trưởng tín dụng đạt 7,3% nên thu nhập lãi của BIDV vẫn tăng hơn gấp rưỡi cùng kỳ, góp phần đưa tổng lãi sau thuế 6 tháng lên trên 2.000 tỷ đồng. Không phải bán nợ xấu cho VAMC nhưng nợ nhóm 4 và nhóm 5 tăng khá mạnh.

Lãi suất giảm song tiền huy động của BIDV vẫn tăng hơn 10% và thu nhập lãi tăng mạnh.
Lãi suất giảm song tiền huy động của BIDV vẫn tăng hơn 10% và thu nhập lãi tăng mạnh.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2013. Theo đó, mặc dù mặc dù lãi suất cho vay trong toàn ngành thời gian vừa qua có xu hướng được điều chỉnh giảm theo lãi suất huy động, song thu nhập lãi từ cho vay khách hàng của BIDV vẫn tăng khủng 151,4% so cùng kỳ, đạt 18.318,1 tỷ đồng. Thu nhập lãi tiền gửi (tại các tổ chức tín dụng khác) cũng tăng 69,3%.

Cộng với các khoản thu nhập lãi khác từ kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cho thuê tài chính và hoạt động tín dụng, phần thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của ngân hàng được ghi nhận trong kỳ đã tăng 153,7% so kỳ trước.

Đây là một trong những nguồn chủ chốt giúp BIDV báo lãi 2.006,1 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm hoạt động, tăng 44% so với cùng kỳ 2012.

Trong kỳ, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 7,3% với 364.772,1 tỷ đồng, tuy nhiên, cùng với đó, nợ xấu nhóm 4 và nhóm 5 lại tăng đáng lo ngại.

Tổng nợ xấu của BIDV đến cuối tháng 6 đã ở mức 9.398,7 tỷ đồng, tăng gần 2,6% so với đầu năm. Tuy nhiên, do tổng tín dụng cũng tăng nên tỷ lệ nợ xấu lại giảm từ 2,7% xuống còn 2,58% vào cuối quý II. Như vậy, mặc dù quy mô nợ xấu ở mức cao, song với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ dưới 3% nên ngân hàng không nằm trong diện các TCTD phải bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC).

Điều đáng lo ngại nằm ở chỗ, nếu như trong kỳ, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) giảm 2,7% thì nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) lại tăng tới 26,34% và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 7,2%.

So với đầu năm, 2 nhóm nợ nguy hiểm nhất là nhóm 4 và nhóm 5 của BIDV tăng khá mạnh.

So với đầu năm, 2 nhóm nợ nguy hiểm nhất là nhóm 4 và nhóm 5 của BIDV tăng khá mạnh.

Theo nguyên tắc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, BIDV phải trích lập 5% cho nợ nhóm 2, 20% cho nợ nhóm 3; 50% cho nợ nhóm 4 và 100% cho nợ nhóm 5. Qua đó đẩy tổng dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV trong 6 tháng tăng lên mức 7.288,5 tỷ đồng, tăng 23,2% so với đầu năm.

Vay, gửi chéo tiền với các TCTD khác

Khác với nhiều ngân hàng thương mại khác, trong các hạng mục tín dụng cho vay của BIDV có khoản cho vay bằng vốn ODA. So với đầu năm, khoản này tăng 1.183,6 tỷ đồng, tương ứng 4,6%.

Trong khi đó, phần tiền gửi của khách hàng tăng 10,7%, đạt 335.448,86 tỷ đồng vào thời điểm cuối kỳ. Trong số này, phần tiền gửi không kỳ hạn giảm 13,5% so đầu kỳ và tiền gửi có kỳ hạn tăng 16,5% đạt 287.757,4 tỷ đồng.

Trong mối quan hệ liên ngân hàng, 6 tháng đầu năm ghi nhận tiền, vàng của các TCTD khác gửi tại BIDV tăng mạnh, trong đó, khoản gửi có kỳ hạn tăng gần 61%, đạt 6.175,62 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, BIDV cũng vay các TCTD khác tổng cộng 33.894,68 tỷ đồng, tăng 7,6%. Ở mặt khác, BIDV lại có tới 31.235,7 tỷ đồng tiền, vàng gửi tại các TCTD khác, cho các TCTD khác vay 16.850,6 tỷ đồng.

Theo Thông tư 21 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/9 năm ngoái, các ngân hàng chỉ được phép cho vay và vay lẫn nhau với thời hạn dưới một năm, không được gửi và nhận tiền gửi của nhau trừ khi tiền đó gửi để phục vụ mục đích thanh toán. 

Trước khi lệnh cấm có hiệu lực, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012, 8 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đã gửi tổng cộng 285.267 tỷ đồng vào các tổ chức tín dụng khác, tăng 25,7% so với cùng kỳ.

Đến đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Thông tư số 01 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 21 về các hoạt động trên thị trường liên ngân hàng, siết chặt điều kiện đi vay trên thị trường này. Cụ thể, tại thời điểm đi vay, các ngân hàng không được có khoản nợ quá hạn từ 10 ngày trở lên tại một ngân hàng khác - trừ trường hợp được Thống đốc cho phép đi vay.

Ngân hàng được cho vay lẫn nhau để bù đắp thiếu hụt tạm thời dự trữ bắt buộc, khả năng chi trả và kinh doanh vốn trên cơ sở cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn. Ngoài ra, các nhà băng cũng có thể cho vay để đảm bảo hiệu quả kinh doanh và an toàn hoạt động. 

Cũng trong nửa đầu 2013, báo cáo tài chính ghi nhận, tổng tài sản của BIDV tăng 7,58% hay “dôi” thêm 36.755,4 tỷ đồng. Phần tài sản tăng mạnh chủ yếu nằm ở chứng khoán kinh doanh (tăng 81,1%), cho vay khách hàng, chứng khoán đầu tư (tăng 32,2%), góp vốn đầu tư dài hạn (tăng 14,7%)…

Hiện tại, BIDV có 5 công ty con, trong đó, 3 công ty sở hữu 100% vốn là Công ty cho thuê tài chính TNHH MTV BIDV (BLC), Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản BIDV (BAMC) và Công ty TNHH BIDV Quốc tế (BIDVI). Còn lại, tại CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), ngân hàng nắm 88,12%, tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC) nắm 82,3%. Ngân hàng còn có cổ phần chi phối tại một loạt các công ty liên doanh, liên kết quan trọng khác.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm