Hà Tĩnh:

Bi hài chuyện nuôi vịt cũng bị... đánh phí

(Dân trí) - Mỗi năm những người nông dân suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trờ phải “cõng” trên mình đủ các thứ quỹ, phí nào là phí phụ cấp cán bộ, phí xây dựng trường chuẩn…. Bi hài hơn nữa là đến nuôi vịt, người nông dân cũng phải đóng thuế!

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

*
Hơn 5 tỷ USD hàng hóa tuồn lậu qua biên giới Việt – Trung

* Formosa Hà Tĩnh: Giới hạn cấp tín dụng tăng lên 4 lần

* Trung, Hàn giao dịch trực tiếp bằng đồng bản địa

* 3 ví dụ về cách “cổ điển” giúp giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Những câu chuyện bi hài đó đang xảy ra ở rất nhiều vùng quê ở tỉnh Hà Tĩnh.

Oằn lưng chịu phí

Quang Lộc là một trong xã đang phấn đấu về đích nông thôn mới của huyện Can Lộc vào năm 2015. Chẳng biết cuộc sống của người dân được cải thiện đến đâu nhưng họ đang phải “kêu trời” vì hằng năm phải “cõng” trên lưng quá nhiều loại phí.

Và để công khai, minh bạch, danh sách các khoản phí, những hộ dân phải đóng đậu được dán lên vị trí “trang trọng” ở tại các nhà hội quán.

Mỗi năm gia đình chị Tỵ phải đóng hơn 2 triệu tiền các loại phí, quỹ
Mỗi năm gia đình chị Tỵ phải đóng hơn 2 triệu tiền các loại phí, quỹ

Gia đình bà Nguyễn Thị Tỵ ở xóm Trà Dương, xã Quang Lộc là một trong những hộ nghèo khó của xã. Nhà có 2 đứa con đang ăn học đại học. Tất cả các khoản tiền sinh hoạt chủ yếu dựa vào 4 sào ruộng và mấy con gà. Thế nhưng mỗi năm gia đình chị phải đóng hơn 2 triệu tiền phí các loại.

Chị Tỵ cho biết năm nay, gia đình chị phải nộp 750.000 đồng cho xã, hơn 200.000 đồng cho hợp tác xã nông nghiệp, hơn 400.000 đồng cho xóm. Đến đợt hai, hết vụ hè thu xã không thu nhưng xóm và hợp tác xã lại đè vào khẩu và sào thu.

“Chồng bị bệnh não từ nhỏ nên làm việc rất hạn chế, hai đứa con đang học, để có tiền đóng đậu, ngoài bán lúa còn đi vay mượn. Đến tháng chạp, trong nhà không có hạt thóc để ăn”, chị Tỵ tâm sự.

Danh sách các hộ còn nợ, các khoản phí được dán tại các nhà văn hóa
Danh sách các hộ còn nợ, các khoản phí được dán tại các nhà văn hóa

Kêu trời chẳng thấu, người dân nơi đây đánh nhắm mắt nộp cho xong. Vì không nộp đầy đủ và đúng hạn thì sẽ bị gây khó dễ, chèn ép.

Theo tìm hiểu của PV, thì năm 2014, người dân xã Quang Lộc phải nộp rất nhiều loại phí như quỹ xây dựng cơ bản (gồm giao thông nông thôn, xây dựng trường chuẩn, xây dựng trạm y tế) thu đầu khẩu 150.000 đồng/khẩu, quỹ an ninh quốc phòng 40.000 đồng/hộ, quỹ đền ơn đám nghĩa 15.000 đồng/lao động, quỹ chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em 5.500 đồng/lao động, quỹ thiên tai 5.500 đồng/lao động, quỹ khuyến học 5.500 đồng/khẩu…. Trong đó, có những khoản phí xã thu hết sức vô lý như quỹ tiêm phòng ngoài thu 25.000 đồng/ con đối với trâu bò, 10.000 đồng/con lợn xã còn thu 17.000 đồng/hộ và quỹ hỗ trợ phụ cấp cán bộ đoàn thể xã, xóm ngoài thu đầu khẩu 15.000 đồng/sào còn thu 15.000 đồng/khẩu.

Hay chuyện không chăn nuôi cũng phải đóng tiêm phòng cũng là những chuyện đã quá quen thuộc với người dân nơi đây.

Nuôi vịt cũng phải đóng phí

Có lẽ để không thua kém “anh bạn hàng xóm”,  xã Sơn Lộc (Can Lộc) cũng đề ra nhiều khoản phí trời ơi đất hỡi tưởng chừng chỉ diễn ra thời kỳ phong kiến.

Đến bây giờ gia đình chị Đặng Thị Thảo ở xóm Phúc Sơn, xã Sơn Lộc vẫn còn nợ hơn 700.000 đồng tiền phí nuôi vịt.

Chị Thảo cho biết, cách đây hai năm gia đình chị có thầu lại một cái đầm để làm ăn. Gia đình chị đã đóng nộp tất cả các loại thuế, phí theo quy định của nhà nước. Ngoài trồng lúa, nuôi cá, để tăng thêm thu nhập cho gia đình, vợ chồng chị đầu tư nuôi thêm một đàn vịt. Thế nhưng thật trớ trêu, xã lại tiền hành thu phí nuôi vịt 1.000 đồng/con, vịt đẻ trứng nộp phí 2.000 đồng/con. Ban đầu gia đình chị nuôi đàn vịt sáu, bảy chục con thì chịu đóng phí. Nhưng khi thầu đất của xã, nhân rộng đàn vịt lên 600, khoản phí đến 750.000 đồng/năm. “Thấy phí nuôi vịt quá cao, vợ chồng tôi không chịu nộp, đã bị xã triệu tập lên. Khi chúng tôi thắc mắc và muốn được lên trực tiếp để họi huyện thì khi ấy cán bộ xã mới hạ giọng và nói sẽ chờ hội động họp bàn để xem xét lại. Tuy nhiên đến bây giờ, gia đình chị vẫn bị gọi lên xã thường xuyên để yêu cầu trả nợ”, chị Thảo ngán ngẫm.

Ba cấp: xã, HTX, thôn đua nhau thu phí người dân
Ba cấp: xã, HTX, thôn đua nhau thu phí người dân

Anh Nguyễn Danh Thịnh, xóm Phúc Sơn, cho biết năm 2014, xã Sơn Lộc có giảm thu một hai, ba quỹ so với mấy năm trước nhưng gia đình anh vẫn đóng đậu đến 1,5 triệu đồng. Người dân ai cũng kêu trời phải đóng đến 11 quỹ, trong đó có những năm xã còn thu cả phí máy cày, máy tuốt lúa.

“Đáng lẽ chính quyền phải tạo điều kiện hơn nữa để cơ giới hóa sản xuất để nâng cao đời sống cho người dân. Đằng này cứ hễ người dân có mô hình sản xuất hay hướng kinh doanh sản xuất mới là cứ đè cổ đánh phí”, anh Thịnh bức xúc.

 Thu phí để dân có trách nhiệm hơn

Trao đổi với Dân trí về các khoản thu tại địa phương, ông Ngô Đức Chương, Bí thư Đảng ủy xã Quang Lộc, cho biết ngoài các quỹ thu đúng chủ trường với Nhà nước thì địa phương có đề ra một số quỹ đã được thông qua hội đồng nhân dân, được lên phương án về thu chi các khoản. Còn những khoản thu của xóm hay các hợp tác xã đều được họp, bàn bạc, lấy ý kiến của người dân…

Ông Chương cũng chia sẽ thêm trong thời gian tới sắp cận về đích nông thôn mới thì sẽ cho nâng các mức thu lên.  

Còn ông Thân Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc thừa nhận, trước đây xã có thu phí nuôi vịt và phí sử dụng máy cày, máy tuốt lúa của dân. Sau khi thấy những khoản thu này không hợp lý xã đã xóa bỏ.

Còn khi được hỏi tại sao thuế tiêm phòng lại vừa thu trên con lại còn thu trên khẩu và nhiều gia đình không chăn nuôi vẫn phải đóng phí tiêm phòng thì ông Nam cho biết là để người dân có trách nhiệm hơn.

“Về quỹ gia súc nhiều hộ không nuôi chúng tôi cũng tiến hành thu phí là để họ có trách nhiệm hơn đồng thời khuyến khích sản xuất”, ông Nam cho biết.

Xuân Sinh - Văn Dũng 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”