1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bí ẩn về Covid-19 làm chấn động ngành công nghiệp 220 tỷ USD

Hương Vũ

(Dân trí) - Nghi vấn về khả năng làm lây lan virus corona của các mặt hàng thực phẩm đông lạnh đã khiến cho ngành công nghiệp trị giá 220 tỷ USD này rơi vào tình trạng bất ổn.

Bí ẩn về Covid-19 làm chấn động ngành công nghiệp 220 tỷ USD - 1

Nhân viên y tế Trung Quốc lấy mẫu thử Covid-19 trên thịt ở chợ Sơn Đông hôm 7/8. Ảnh: Getty Images.

Thời gian vừa qua, Trung Quốc đã nhiều lần tìm thấy dấu vết của virus corona trên bao bì và thực phẩm đông lạnh, làm dấy lên lo ngại rằng các mặt hàng nhập khẩu là nguồn lây nhiễm virus cho các ở dịch gần đây ở thủ đô Bắc Kinh và thành phố cảng Đại Liên.

Đối với những nghi vấn trên, một thành phố lớn của Trung Quốc vào hôm 16/8 vừa qua đã cấm nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm đông lạnh từ các điểm nóng đại dịch trên toàn thế giới và nội địa.

Theo giới chuyên gia y tế, các kho đông lạnh và nhà máy xử lý thịt là môi trường lý tưởng để SARS-CoV-2 lây lan, bởi virus này “khỏe mạnh” trong môi trường lạnh và khô. Tuy vậy, chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy virus có thể lây lan qua đường thực phẩm.

“Chúng tôi biết virus có thể sống sót trong trạng thái bị đông lạnh. Do đó, có khả năng đây là một cơ chế lây lan. Nhưng nguy cơ ở đây là rất thấp”, Bloomberg dẫn lời chuyên gia dịch tễ Benjamin Cowling thuộc Đại học Hồng Kông nhận định.

Bí ẩn về Covid-19 làm chấn động ngành công nghiệp 220 tỷ USD - 2
Trước đó, tại ổ dịch chợ đầu mối Xinfadi, giới chức Trung Quốc đã tìm thấy virus corona trên thớt thái cá hồi nhập khẩu của một tiểu thương. Ảnh: SCMP


Chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp của Trung Quốc - Zhong Nanshan, đã đánh giá thấp vai trò của thực phẩm đông lạnh trong việc lây truyền bệnh. Ông nói: “Việc phát hiện virus từ thực phẩm đông lạnh nhập khẩu là tương đối hiếm. Đừng nghiêm trọng hóa vấn đề như vậy.”

Do thiếu bằng chứng cụ thể, nhà chức trách Trung Quốc mới chỉ đang thực hiện các bước đề phòng, tuy nhiên, điều này cũng đã khiến cho các đối tác thương mại lớn của họ phải “đau đầu”. Mới đây, thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông ra lệnh cấm nhập khẩu thịt và hải sản đông lạnh từ các vùng có dịch vì lo ngại nguy cơ SARS-CoV-2 lây lan.

Lệnh này được ban hành sau khi chính quyền địa phương ở thành phố Thâm Quyến tìm thấy virus trên bề mặt mẫu cánh gà nhập khẩu từ Brazil. Hồng Kông cũng đã ngừng nhập khẩu nhà máy này.

Dù vậy, Trung Quốc chưa ra lệnh cấm nhập thực phẩm đông lạnh trên phạm vi toàn quốc vì lo ngại nguy cơ thiếu thực phẩm.

Trước đó, New Zealand từng nghi ngờ một ổ dịch Covid-19 mới bùng lên có liên quan tới một nhà máy đóng gói thực phẩm đông lạnh ở Auckland sau 102 ngày yên bình.

Tuy nhiên, điều tra ban đầu bác bỏ khả năng virus trên bề mặt nguyên liệu nhập khẩu lây cho người. “Chúng tôi đã loại bỏ nghi vấn này”, Tổng giám đốc Y tế New Zealand Ashley Bloomfield tuyên bố.

Một câu hỏi lớn chưa được trả lời là liệu những dấu vết mà Trung Quốc đã phát hiện trên bao bì và bề mặt của thực phẩm đông lạnh có còn khả năng lây nhiễm hay không, hay liệu chúng chỉ là dấu vết chết và vô hại của mầm bệnh.

“Chúng ta chưa rõ virus tồn tại trên bề mặt sau vài ngày còn khả năng lây nhiễm hay không”, chuyên gia Sarah Cahill từ Ủy ban Codex Alimentarius (trực thuộc WHO) cho biết.

Trên thực tế, có nhiều loại virus và vi khuẩn lây lan qua đường thực phẩm. WHO ước tính ngộ độc thực phẩm - 10 người ăn thực phẩm đông lạnh thì ít nhất 1 trong số đó đổ bệnh - là nguyên nhân sát hại 420.000 người trên toàn thế giới mỗi năm.

“Trên lý thuyết, virus có thể lây lan qua con đường này”, ông Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, tuyên bố. “Nhưng các quan sát và bằng chứng dịch tễ học chúng tôi thu thập được trong 7 tháng qua cho thấy khả năng lây lan này là rất thấp”.