Bí ẩn cơn sốt gom mua lá điều
á điều khô vốn là thứ bỏ đi, tự hoai mục trong các rẫy điều, nhưng từ hơn một tháng nay việc thu gom lá điều khô đem bán cho các điểm thu mua đang tạo nên cơn sốt ở vùng nông thôn huyện Định Quán (Đồng Nai).
Người dân gom lá điều khô bán cho cả điểm thu mua ở xã Gia Canh. |
Làng quê nhộn nhịp
Đang vào mùa cây điều thay lá, lá điều khô rụng đầy mặt đất, nhưng chỉ vài ngày không vào thăm rẫy, ông Vòng A Cẩu (ngụ thị trấn Định Quán)- chủ một rẫy điều có diện tích hơn 1 ha ở xã Phú Lợi (huyện Định Quán) bất ngờ khi cả rẫy điều hết sạch lá khô trên mặt đất. Những rẫy điều kế cận cũng có hiện tượng như vậy.
Hỏi ra, ông Cẩu mới biết đang có người mua lá điều khô nên nhiều người dân trong vùng kéo nhau đi gom lá điều.
Ông Cẩu kể: “Ban đầu tôi cũng không để ý lắm, nhưng thấy người ta đi lấy lá điều ngày càng nhiều nên cũng lo, biết đâu không kịp có lá khô thì người ta tuốt luôn lá tươi thì nguy”. Sợ vườn cây bị thiệt hại, hàng ngày ông Cẩu đành túc trực canh giữ rẫy điều.
Trong nhóm những người đi gom lá điều khô, ông Nguyễn Văn Ái ngụ xã Ngọc Định (huyện Định Quán) cho biết mấy ngày đầu đi gom lá, mỗi ngày có thể gom được gần 300 kg bán được 300 ngàn đồng nhưng về sau người đi gom lá nhiều quá và các nhà vườn không cho vào lấy nên mỗi ngày chỉ gom được chừng 50 – 70 kg.
Để gom được 100 kg lá khô chở đến điểm tiêu thụ, ông Ái phải lèn cứng trong 4 bao tải lớn.
Bà Nguyễn Ngọc Như ở xã Gia Canh (Định Quán) cùng đi gom lá điều với con gái kể: “Đang không có việc làm, thấy người ta mua lá điều mình cũng đi quét lá bán. Ban đầu thì gom trong vườn nhà, hết thì đi xa hơn vào rẫy của người khác”.
Tại điểm thu mua lá điều khô của ông Hai Mỳ ở xã Gia Canh, sau gần 1 tháng tập trung mua, cả khu vườn của ông Hai lá đã chất cao như núi. Ông chủ này phải cho tưới nước thường xuyên.
Người làm công đang tưới nước cho biết tưới để cho lá hoai mục theo yêu cầu của chủ mua và căn bản là chống cháy.
Cả người mua và người bán đều không hề biết lá điều khô được mua mang đi đâu, ai là người mua đích thực.
Chuyện mua bán lá điều khô lần đầu tiên xảy ra ở vùng quê miền núi này khiến nhiều điều xáo trộn, người mua kẻ bán sôi động, còn những chủ vườn điều thì lo ngay ngáy cho vườn cây của mình bị xâm hại.
Chưa biết mục đích
Cho đến nay các cơ quan chức năng ở tỉnh Đồng Nai vẫn chưa biết được việc gom mua lá điều khô để làm gì, đưa đi đâu và ai là người mua thật sự.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai, việc mua lá điều hiện nay chỉ xảy ra ở khu vực các xã Gia Canh, Phú Tân, Phú Ngọc, Túc Trưng thuộc huyện Định Quán và có 3 điểm thu mua ở các xã Túc Trưng, Gia Canh và Phú Ngọc. Hiện cả 3 điểm này đã mua được 143 tấn lá điều khô với giá 1.000 đồng/kg.
Riêng còn có thông tin ngọn điều được mua với giá 35.000 đồng/kg, kiểm tra các điểm thu mua thì chưa thấy việc mua ngọn điều. Đến nay lá điều khô chưa vận chuyển ra khỏi địa bàn. Các chủ thu mua đã cho phủ bạt và tưới nước hàng ngày.
Trả lời với các cơ quan chức năng, các chủ thu mua lá điều khô cho biết không biết mục đích thật sự của người mua. Các điểm thu mua nhận tiền ứng trước qua người môi giới và người môi giới chỉ cho biết mua để ủ phân. Đến nay một điểm đã ngưng mua do đã mua quá số tiền ứng.
Theo các kỹ sư nông nghiệp Trần Thị Tú Oanh (Sở Nông nghiệp & PTNT Đồng Nai) thì lá điều khô sẽ giữ ẩm cho cây điều, người dân thường có thói quen dọn đốt lá tăng thêm nguồn dinh dưỡng cho đất. Còn thực ra lá điều ủ làm phân thì không hợp lý vì trong lá điều không có nhiều hàm lượng dinh dưỡng.
Ông Trần Quang Tú- Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán (Đồng Nai) cho biết: “Huyện đã chỉ đạo cho các địa phương, khuyến cáo người dân là không nên tận thu lá điều khô để bán mà giữ lá khô trong vườn để chống xói mòn dinh dưỡng vào mùa mưa, giữ độ ẩm cho vườn cây trong mùa khô”.
Ngày 4-12, Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai đã có văn bản gửi các huyện, thị xã trong tỉnh đề nghị tuyên truyền giải thích với người dân hiểu tác hại của việc thu gom lá điều đối với sản xuất nông nghiệp và chủ động ngăn ngừa, phát hiện xử lý việc sử dụng hóa chất làm rụng lá điều nhằm mục đích gây hại cho sản xuất.