"Bệnh viện" chuyên đặc trị căn bệnh chập điện gây cháy, nổ

Trường Thịnh

(Dân trí) - Tác giả Nguyễn Hoàng Thọ đề xuất ý tưởng thành lập các "bệnh viện" chuyên đặc trị căn bệnh chập điện gây cháy, nổ. "Bác sĩ" chính là đội ngũ kỹ sư chuyên ngành điện lực được đào tạo bài bản.

Dưới đây là bài dự thi của tác giả Nguyễn Hoàng Thọ, đang công tác tại Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) Quảng Nam. Tác phẩm dự thi: "Bệnh viện" chuyên đặc trị căn bệnh chập điện gây cháy, nổ.

Ý tưởng: "Bệnh viện" chuyên đặc trị căn bệnh chập điện gây cháy, nổ

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 2.222 vụ cháy, làm chết 57 người, bị thương 45 người, thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 127,9 tỷ đồng; xảy ra 125 vụ cháy rừng làm thiệt hại 529 ha rừng.

So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy tăng 361 vụ, số người chết tăng 14 người. Cháy chủ yếu xảy ra tại khu vực thành thị với 1.343 vụ (chiếm 60,4%). Trong số 1.299/2.222 vụ cháy đã được điều tra làm rõ nguyên nhân thì cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tới 72,9% (948/1.299 vụ).

Bệnh viện chuyên đặc trị căn bệnh chập điện gây cháy, nổ - 1

Một nhà kho tại TP Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam bị cháy do chập điện năm 2023.

Dân gian vẫn thường ví lửa là "giặc" để nói về những tai họa gây ra đối với con người cực kỳ nguy hiểm. Giặc thì phải chống, phải đánh đuổi. Nhưng thực tế bao năm qua, "giặc" lửa chưa bao giờ bị đánh bại, bị loại khỏi đời sống xã hội, mà ngược lại còn gây ra rất nhiều đau thương, mất mát cho con người. Điển hình mới đây nhất là vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đêm 12/9 ở chung cư mini trên phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã cướp đi sinh mạng của 56 người, làm 37 người bị thương. Nguyên nhân xuất phát từ chập mạch điện xe tay ga.

Vậy nên, thay vì ví hỏa hoạn là giặc thì hãy coi như đây là "căn bệnh" vì đã cướp đi nhiều sinh mạng và hủy hoại tài sản của xã hội. Mà bệnh thì phải cần có bác sĩ và bệnh viện để điều trị dứt điểm. Có như vậy mới không còn những vụ cháy thương tâm, gây đau thương, mất mát cho con người. Cả nước hiện nay chưa thấy các loại hình "bệnh viện" kiểu này.

Ở nước ta mỗi năm có hàng nghìn kỹ sư ngành điện được đào tạo từ bậc đại học, cao đẳng, trung cấp. Riêng trường Đại học Điện lực mỗi năm tuyển sinh hơn 3.400 sinh viên.

Vì vậy ý tưởng đó là, trong hành trình khởi nghiệp đang lan tỏa ở khắp mọi miền đất nước, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp cần chú ý định hướng cho các startup trong việc thành lập "bệnh viện" chuyên đặc trị căn bệnh chập điện gây cháy, nổ. Nôm na có thể gọi là: Trung tâm phòng, chống chập điện; Trung tâm quan trắc điện gia dụng; Trung tâm xử lý sự cố điện gia dụng…, và lực lượng "bác sĩ" ở các "bệnh viện" này chính là đội ngũ kỹ sư chuyên ngành điện lực được đào tạo bài bản, đang cần việc làm ổn định.

Bởi lẽ thực tế hiện nay rất ít có hộ gia đình nào biết được tổng công suất tiêu thụ điện của các thiết bị gia dụng so với công suất chịu tải của đường dây đang sử dụng để phòng ngừa tình trạng vượt tải gây chập cháy, đó là chưa kể tới việc kiểm tra các ổ cắm, hộp đấu nối, mối nối dây điện bị oxy hóa do thời tiết, di chuyển (move) mối nối điện… tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. 

Và hầu như chẳng có một gia đình nào quan tâm đến việc thuê chuyên gia ngành điện đến nhà để kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn định kỳ nhằm đề phòng chập cháy, mà dịch vụ này hiện nay cũng chưa hình thành, nhất là ở khu vực đô thị với nguy cơ cháy do chập điện khá cao.

Bệnh viện chuyên đặc trị căn bệnh chập điện gây cháy, nổ - 2

Ngày 8/5/2024, 1 vụ cháy tại TP Hội An do chập điện khiến khoảng 40 xe điện bị thiêu rụi.

Như vậy, nhiệm vụ của các "bác sĩ" điện là cung cấp dịch vụ kiểm tra tổng quát, đo lường định kỳ các hệ thống điện dân dụng, điện công nghiệp cho hộ gia đình, nhà xưởng… để có biện pháp phòng ngừa sự cố kịp thời. Họ sẽ tính toán công suất tiêu thụ các thiết bị so với công suất tải đường dây, kiểm tra độ an toàn của các thiết bị tiêu thụ điện, hệ thống ổ cắm, các mối nối… Từ đó sẽ đề xuất giải pháp thay thế một cách an toàn, tiết kiệm nhất. 

Đây là thể nói là một hướng đi mới, khởi nghiệp bền vững và quan trọng nhất là hình thành được các "bệnh viện" với đội ngũ "bác sĩ" lành nghề được đào tạo bài bản. Từ đó sẽ chuyên trị "căn bệnh" chập điện dẫn đến cháy, nổ gây nhiều hậu quả hết sức thương tâm như thời gian qua.

Cuộc thi viết " Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững " do báo Dân trí tổ chức (từ 14/8 đến 30/11), dành cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, không giới hạn độ tuổi.

Chủ đề của cuộc thi hướng đến các giải pháp, sáng kiến giải quyết vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị.

Độc giả tham gia chương trình có cơ hội nhận một trong 10 giải thưởng giá trị, chung tay truyền cảm hứng cho cộng đồng cùng thực thi ESG.

Xem thể lệ cuộc thi tại đây

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm