Bên lề biến động lãi suất liên ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước trấn an, ngân hàng nhỏ “thanh minh”, ngân hàng lớn cũng lo lắng khi cơn sóng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng dâng cao.

Bên lề biến động lãi suất liên ngân hàng - 1
Khó khăn thanh khoản lúc này không hẳn là cơ hội để "thanh lọc hệ thống", bởi tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần một quá trình lâu dài và không dễ như cắt một lát bánh...
 
Sau ngày 10/10, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đột ngột tăng mạnh. Đà tăng vẫn nối tiếp dù Ngân hàng Nhà nước đã có động thái can thiệp. Bên lề diễn biến này là những lo toan, dò đoán, rủi ro và cơ hội…

 

“Một số ít khó khăn thanh khoản tạm thời”

 

Ngày 14/10, thị trường xôn xao khi thông tin lãi suất liên ngân hàng lên tới 22%/năm ở kỳ hạn 1 tháng. Tiếp đó, nhiều nguồn tin dồn dập phản ánh lãi suất qua đêm, 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng… trên thị trường này liên tục leo thang. Những mức đỉnh điểm có từ 18%, 20%, 22%, 25%; cá biệt hôm đầu tuần này một số kênh truyền thông chính thống đề cập con số 30%/năm…

 

Với người ngoài cuộc, những con số phát sốt đó chưa rõ tính đại diện của nó; hay nên nhìn theo mức lãi suất giao dịch bình quân mà Ngân hàng Nhà nước cập nhật với độ trễ với thời gian thực từ 3 - 4 ngày.

 

Nhưng, có một thực tế đang diễn ra: thanh khoản một số ngân hàng đang có vấn đề, lãi suất trên liên ngân hàng đang có một cơn sốt thay cho quãng thời gian tương đối ổn định vừa qua.

 

Bên lề những biến động trên, cuối tuần rồi, một cán bộ ngân hàng tại Tp.HCM cho biết, có khả năng một số ngân hàng phải tạm ngừng giải ngân, hoặc cho vay nhỏ giọt do khó khăn thanh khoản. Trong khi đó, một chuyên viên ngân hàng khác nhắn tin cho hay, điểm mà họ lo ngại là có thể có rủi ro ở một số khoản cho vay đến hạn thu hồi từ đối tác trong hệ thống…

 

Trong khi đó, ngày 18/10, Ngân hàng Nhà nước phát đi một bản tin với những khẳng định chung, mang tính trấn an dư luận trước sự xáo động của những mức lãi suất “khủng” trên liên ngân hàng.

 

Bản tin cho biết: “Để đạt được mục tiêu giảm lãi suất, kiểm soát tăng trưởng tiền tệ và ổn định tỷ giá ở mức hợp lý, Ngân hàng Nhà nước đã và đang điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ bảo đảm thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng trong trạng thái ổn định hợp lý (không thừa, không thiếu). Đến nay, thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng bình thường”.

 

Tuy nhiên, cơ quan này cũng thừa nhận: “Có một số ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng nhanh trong thời gian qua dẫn đến mất cân đối  giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Do vậy, khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 11/NQ-CP và siết chặt trật tự, kỷ cương trên thị trường tiền tệ, một số ít ngân hàng bộc lộ khó khăn thanh khoản tạm thời. Bằng việc điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp hỗ trợ kịp thời các ngân hàng để xử lý thiếu hụt thanh khoản tạm thời, đảm bảo an toàn thanh khoản của toàn bộ hệ thống”.

 

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng cường giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động của từng tổ chức tín dụng cũng như toàn bộ hệ thống để phát hiện kịp thời và có biện pháp hỗ trợ thích hợp các tổ chức tín dụng có khả năng thiếu hụt thanh khoản. “Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý và sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản khi các tổ chức tín dụng gặp khó khăn để bảo đảm thị trường tiền tệ hoạt động thông suốt, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, an toàn của từng tổ chức tín dụng cũng như của cả hệ thống”.

 

Rủi ro và cơ hội

 

Ngay khi thị trường liên ngân hàng biến động, một số tổ chức đầu tư đã nhanh chóng đưa ra những bình luận và tìm hiểu nguyên do.

 

Đầu tiên, biến động trên được lý giải từ “cú hích” của quyết định tăng một số lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/10. Thêm vào đó, cơ chế trần lãi suất được làm nghiêm, các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn trong cạnh tranh huy động và buộc phải vay lãi suất cao trên liên ngân hàng đáp ứng cho yêu cầu thanh khoản.

 

Ở một hướng khác, bộ phận phân tích của một công ty chứng khoán đưa ra giả thiết rằng, vụ lừa đảo với số tiền lên tới khoảng 5.000 tỷ đồng vừa được thông tin trên thị trường có thể liên quan đến tính hợp pháp của các giấy tờ tín dụng trong hệ thống ngân hàng. Và đây có thể là một nguyên nhân góp phần khiến lãi suất trên liên ngân hàng tăng cao do các ngân hàng lo ngại có rủi ro đối tác (?).

 

Tuần qua và đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái bơm ròng khoảng 23.000 tỷ đồng qua thị trường mở (OMO) nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống. Rủi ro và cơ hội nằm ở đây.

 

Cũng theo nhận định của công ty chứng khoán trên, hoạt động bơm ròng khá mạnh đó chưa chắc đã giải quyết được tình hình. Vấn đề là, những ngân hàng nhỏ khó khăn thanh khoản thiếu giấy tờ có giá để có thể tiếp cận được nguồn vốn này. Ngược lại, những ngân hàng lớn dư giả chưa hẳn đã nắm lấy và đẩy mạnh cho vay trên liên ngân hàng do cũng lo ngại có rủi ro. Sự ách tắc này càng tạo áp lực tới lãi suất, và có lẽ cửa còn lại với những trường hợp khó khăn thanh khoản là chờ được tái cấp vốn hỗ trợ.

 

Ngược lại, một số công ty chứng khoán khác lại cho đây là “cơ hội vàng” cho những con thoi trên liên ngân hàng. Họ có lợi thế huy động vốn mạnh trong dân cư với 14%/năm, có lượng trái phiếu phòng thân dồi dào thực hiện tái chiết khấu với Ngân hàng Nhà nước chỉ 13%/năm, hay nắm lượng vốn bơm qua OMO lãi suất 14%/năm… và cho vay lãi suất cao trên liên ngân hàng, nắm chênh lệch lớn.

 

Đó là những phân tích, nhận định bên lề đáng chú ý từ phía các tổ chức đầu tư về đợt biến động này.

 

“Đâu phải dễ như cắt một lát bánh”

 

Với người trong cuộc, tin nhắn bên lề của chuyên viên một ngân hàng nhỏ khẳng định rằng ngân hàng mình thanh khoản đang rất tốt. Đây là một tin nhắn chủ động, bởi chính họ có lo ngại ngân hàng mình bị “vạ lây” đến câu chuyện thanh khoản đang nóng trong các dòng chảy thời sự hiện nay, mà điểm đến lại tập trung ở ngân hàng nhỏ. Họ lo chính mình bị khách hàng nghi ngờ, người gửi tiền nghi ngờ và ảnh hưởng đến hoạt động…

 

Tối 18/10, trên đường rời nhiệm sở, một lãnh đạo ngân hàng tại Hà Nội gọi điện tới phóng viên với câu hỏi: “Ngân hàng anh thì không có vấn đề gì, nhưng thấy tình hình xáo động quá?”.

 

Trong câu chuyện với ông, bình luận của một số tổ chức đầu tư được đưa ra trao đổi: họ nhìn nhận sự leo thang của lãi suất trên liên ngân hàng tập trung ở các ngân hàng nhỏ “có vấn đề”, và đây là một cơ hội để “thanh lọc hệ thống” hơn là khó khăn của thị trường.

 

Một số tổ chức đó cũng dẫn lại định hướng của Trung ương Đảng vừa đưa ra, trong đó có việc cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính.

 

Tuy nhiên, vị lãnh đạo ngân hàng trên nói rằng: “Đâu có đơn giản như vậy. Việc tái cấu trúc hệ thống hay “thanh lọc hệ thống” từ chủ trương đến triển khai là cả một quá trình lâu dài, đâu phải ngày một ngày hai. Đâu phải dễ như cắt một lát bánh vậy!”.

 

Cũng bên lề câu chuyện này, phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn cũng nói rằng: “Nếu thực hiện tái cơ cấu, thực hiện mua bán sáp nhập các ngân hàng thì chúng tôi cũng tính “ngắm” đến một ngân hàng. Nhưng việc tái cơ cấu là còn lâu dài…”.

 

Theo Minh Đức
VnEconomy