ĐBSCL
Bẫy chim sẻ kiếm bạc triệu ở miền Tây: Người mưu sinh, chim chết thảm
(Dân trí) - Thời gian gần đây, nhiều vùng quê như: Vĩnh Long, Cần Thơ… xuất hiện nhiều nhóm thanh niên đi “săn” chim sẻ bán cho các tay buôn ở thành phố. Có nhóm, mỗi ngày bẫy hàng trăm con chim sẻ, bán với giá 4.000 - 6.000 đồng/con.
Theo chân anh Nguyễn Văn Bình (tên đã được thay đổi) ở xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, Vĩnh Long đi săn chim sẻ mới thấy công việc nhàn hạ nhưng kiếm bạc triệu một ngày là chuyện không hề khó với nhóm anh Bình. Theo quan sát của PV Dân trí, dụng cụ bẫy chim sẻ của anh Bình rất đơn giản, chỉ cần một hộp keo con chó và 10 “cần câu” - là những thanh tre nhỏ được dán keo và một cái máy phát tiếng chim đã được thu sẵn lưu trong thẻ nhớ SD.
Khi kiểm tra đầy đủ dụng cụ, nhóm chúng tôi theo chân anh Bình để đi “săn” chim sẻ. Với cặp mắt nhà nghề, anh Bình chỉ cần “lia mắt” là biết khu vườn, địa điểm nào có chim sẻ, chim chao chảo hay cu đất… Theo anh Bình, muốn bẫy chim sẻ thì không cần vào vườn rậm, chỉ cần đi dọc theo các tuyến lộ, khu dân cư, đặc biệt là những nơi như trường học, nhà máy xay lúa… là sẽ bắt được chim sẻ.
Khi đó nhóm anh Bình mang túi ra gỡ từng con chim tội nghiệp cho vào túi rồi tiếp tục cho máy phát tiếng chim gọi bầy. Trung bình, một điểm phát, nhóm anh Bình bắt từ 10 – 15 con chim sẻ. Khi thấy chim hết “ăn mồi”, anh Bình, thu dọn đồ nghề, tìm đến một vị trí khác. Công việc săn chim chỉ có vậy, tuy nhiên một ngày nhóm anh Bình bắt từ 100 – 200 con chim sẻ là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, với nhóm anh Nguyễn Văn M. ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ thì tay nghề của nhóm anh Bình còn phải học nhiều khi một ngày nhóm anh Mãi bắt từ 300 – 500 con chim sẻ là chuyện trong tầm tay.
Đối với nhóm anh Mãi, dụng cụ săn chim sẻ có khác một chút ở “cần câu” chim. Thay vì anh Mãi chọn từng thanh tre nhỏ rồi phủ keo lên thì anh Mãi chọn một cây trúc dài khoảng 4 -5m, tại đầu trên cùng anh Mãi gác một thanh ngang dài khoảng 1m và thanh ngang này được phủ keo. Khi chọn địa điểm phù hợp anh Mãi chỉ cần dựng cây này lên và khi bẫy chim xong, anh Mãi chỉ mỗi việc vác “cây bẫy” này đến nơi khác. Cũng nhờ cách này, nhóm anh Mãi tốn ít thời gian hơn cho việc cấm từng “cần câu” chim lên thân cây hay cột điện… như hai anh em anh Bình, vừa mắc thời gian và lại nguy hiểm.
Tuy nhiên, ngoài hai cách bẫy chim sẻ của anh Bình và anh M., có nhiều nhóm thanh niên khác bẫy chim sẻ bằng cách dùng con chim mồi – một con chim sẻ cho vào lồng để dụ con chim sẻ khác đến chui vào lồng, thông qua máy phát tiếng chim đặt gần đó. Với cách này, năng suất không cao nhưng được cái những chú chim bẫy được còn nguyên vẹn, không bị “sức đầu mẻ trán” như cách bẫy chim bằng keo con chó mà nhóm anh Bình và anh Mãi sử dụng.
Cũng theo nhóm anh M. và anh Bình cho biết, khi đi bẫy chim sẻ còn bẫy được các loại chim khác, như chim chao chảo, chim sâu, cu đất… Tất cả “chiến lợi phẩm” của các tay săn chim đều được các tay buôn chim ở thành phố về tận vườn thu mua hết. Nhưng trong đó chim sẻ và chim chao chảo là bán cao giá nhất, mỗi con giao động từ 4.000 – 8.000 đồng.
Như vậy, với các tay săn chim như anh Bình, anh M. một ngày chỉ cần bẫy được 200 con chim sẻ đã kiếm hơn một triệu đồng. Thiết nghĩ cũng từ những lời truyền miệng nhau về thịt và tiết chim sẻ là loại “thần dược” trong chuyện phòng the, mỗi ngày đã có hàng ngàn con chim sẻ “chết oan” thảm thiết giữa tiếng cười vui “chén chú chén anh” ở các nhà hàng sang trọng.
Nguyễn Hành