1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Bắt" siêu thị mở cửa cả ngày lễ: Bộ Công Thương muốn lo thay doanh nghiệp?

(Dân trí) - Quy định “siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả các ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10:00 sáng đến 22:00 tối” tại dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến được VCCI đánh giá là "can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp bởi đây là vấn đề của thị trường".

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có một số ý kiến đóng góp về Dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối của Bộ Công Thương.

Đáng lưu ý, VCCI cho rằng, Chính phủ và Bộ Công Thương đang nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mà Bộ quản lý. Tuy nhiên, một số nội dung trong Dự thảo về bản chất lại đang thiết kế thêm các điều kiện kinh doanh mới và do đó cần được cân nhắc lại.

Về tiêu chí xác định siêu thị, trung tâm thương mại, Dự thảo quy định về tiêu chuẩn siêu thị, trung tâm thương mại trong đó có một số giới hạn tối thiểu về diện tích, các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, an ninh, an toàn…

VCCI cho rằng, quy định này cần xem xét lại ở nhiều khía cạnh, ví dụ như việc đưa ra tiêu chí để phân biệt tiêu chí, trung tâm thương mại để làm gì? Những cơ sở kinh doanh không đáp ứng tiêu chí này nhưng vẫn gọi là siêu thị, trung tâm thương mại thì những lợi ích công cộng nào bị ảnh hưởng?

Đặc biệt, quy định “thời gian mở cửa: siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả các ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10:00 sáng đến 22:00 tối” được VCCI đánh giá là "can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp bởi đây là vấn đề của thị trường, Nhà nước không cần/không nên can thiệp".

Thậm chí, theo VCCI, quy định này ở một góc độ nào đó có thể còn phải được xem xét lại về định hướng: Ví dụ ở một số nước phương Tây, với mục tiêu tạo không gian cho các cửa hàng bán lẻ nhỏ, chợ truyền thống…(lợi ích công cộng trong quan niệm của các nước này), các siêu thị còn bị hạn chế về thời gian mở cửa (ví dụ không được mở quá sớm, không được đóng quá muộn, một ngày trong tuần bắt buộc phải đóng cửa…).

"Tức là họ có kiểm soát, nhưng theo chiều ngược lại. Có thể ở Việt Nam kiểm soát theo định hướng này chưa thích hợp hoặc chưa cần thiết", VCCI đánh giá.

VCCI cho rằng, ít nhất thị trường Việt Nam cũng không ở bối cảnh khan hiếm hàng hóa tiêu dùng đến mức bắt buộc phải duy trì các siêu thị, trung tâm thương mại tất cả các ngày (nếu không nói rằng việc các siêu thị, trung tâm thương mại đóng cửa dịp lễ còn là cơ hội cho các hình thức bán lẻ truyền thống, nhỏ lẻ khác).

Ngoài ra, cần chú ý là các siêu thị, trung tâm thương mại không phải chỉ toàn bán các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu (ví dụ nhiều siêu thị chuyên ngành điện máy…), không rõ dựa vào căn cứ nào để bắt buộc các siêu thị này duy trì hoạt động tất cả các ngày trong năm?

VCCI cũng đánh giá, quy định về giới hạn đợt bán hàng giảm giá tại Dự thảo Nghị định là chưa hợp lý bởi siêu thị hay trung tâm thương mại không phải là hoạt động đặc thù để đi ngược lại/có chính sách quy định riêng về khuyến mại trong khi chính sách khuyến mại chung đã có?

Bên cạnh đó, các quy định giới hạn về khuyến mại tại siêu thị, trung tâm thương mại là sự can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý.

"Nếu lo ngại các đợt giảm giá tại siêu thị, trung tâm thương mại sẽ ảnh hưởng đến thị trường cạnh tranh thì cần phải kiểm soát theo pháp luật cạnh tranh, chứ không phải kiểm soát riêng theo cách này", VCCI nhìn nhận.

Phương Dung

"Bắt" siêu thị mở cửa cả ngày lễ: Bộ Công Thương muốn lo thay doanh nghiệp? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm