1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bất ngờ từ ACB, hai sàn diễn biến ngược chiều

(Dân trí) - Cổ phiếu ACB đầu phiên chiều gây bất ngờ khi đạt khối lượng thỏa thuận lên tới gần 33 triệu đơn vị trên mức giá sàn. Chốt phiên, VN-Index tăng điểm nhẹ trong khi HNX-Index vẫn giảm điểm.

Sau khi được thỏa thuận với khối lượng không đáng kể trong phiên sáng, bất ngờ khối lượng thỏa thuận đối với cổ phiếu của ngân hàng ACB tăng mạnh vào cuối phiên. Tại thời điểm 11h22', ACB được thỏa thuận 1,1 triệu đơn vị với mức giá sàn 15.900 đồng/cp. Tổng giá trị thỏa thuận lúc này đạt 17,6 tỷ đồng.

Đến 13h54', khối lượng thỏa thuận với ACB tăng đột biến lên 32,9 triệu đơn vị tại mức giá 16.000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị đạt 527 tỷ đồng.

Đây cũng là mã có khối lượng thỏa thuận đạt cao nhất trong phiên cả ngày hôm nay trên toàn sàn. Tổng khối lượng giao dịch hôm nay với ACB đạt trên 34 triệu đơn vị, và đưa tổng giá trị giao dịch trên HNX lúc này lên trên 800 tỷ đồng, cao hơn HoSE.
 
Trên HoSE, mã được thỏa thuận mạnh nhất là STB của Sacombank. Tại thời điểm 13h26', khối lượng thỏa thuận đối với mã này đạt 2 triệu đơn vị, tại mức giá 17.000 đồng. Tổng trị giá thỏa thuận đạt 43 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/9, ACB giảm sàn còn 15.900 đồng/cp, tổng khối lượng khớp lệnh đạt 4,1 triệu đơn vị. Cuối phiên, còn dư bán  24,5 nghìn đơn vị.

Trong khi đó, EIB của Eximbank đóng cửa với dư mua giá sàn 214,9 nghìn đơn vị. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 3,1 triệu đơn vị. Nhóm cổ phiếu ngân hàng mất điểm 1,9%. Trong khi MBB tăng điểm nhẹ 100 đồng/cp thì CTG của VietinBank, VCB của Vietcombank giảm điểm.

Các bluechips như VIC của Vingroup, VNM của Vinamilk, HPG của Hòa Phát, DPM của Đạm Phú Mỹ, GAS và MBB tăng điểm, góp phần kéo thị trường lên. Trong đó, Vinamilk bứt phá mạnh với mức tăng 2.000 đồng/cp, tuy nhiên, khối lượng giao dịch cổ phiếu này chỉ 116 nghìn đơn vị.

BVH của Bảo Việt kiên trì tăng trần lên 31.500 đồng/cp với tổng khối lượng khớp lệnh đạt 1,4 triệu đơn vị, được khối ngoại thu mua 667,9 nghìn đơn vị.

Đóng cửa, VN-Index quay đầu tăng điểm nhẹ, tăng thêm 0,44 điểm lên 394,55 điểm. HNX-Index giảm 0,41 điểm, còn 56,07 điểm. Toàn sàn có 198 mã tăng, với 26 mã tăng trần và có tới 211 giảm, với 100 mã giảm sàn.
 
Bất ngờ từ ACB, hai sàn diễn biến ngược chiều
 
Thị trường sáng nay đã có lúc phục hồi đáng kể sau phiên lao dốc hôm qua khi VN-Index tăng 1,4 điểm lên 395,9 điểm, một số bluechips tăng giá nhẹ vào đầu phiên.

Tuy nhiên, giằng co trên thị trường khiến đà tăng yếu ớt không giữ nổi. Hết phiên sáng, VN-Index ấn định 193,05 điểm, mất 1,46 điểm tương ứng giảm 0,37% trong khi tại sàn Hà Nội, HNX-Index mất 1 điểm, tương ứng giảm 1,77 điểm, xuống 55,48 điểm.

Toàn sàn có 222 mã giảm điểm, trong đó có 90 mã giảm sàn, áp đảo so với 105 mã tăng và chỉ có 24 mã tăng trần. Số mã đứng yên giá lên tới 488 mã.

Riêng trong rổ VN30 chỉ có duy nhất 1 mã tăng trần trong số 9 mã tăng, 2 mã giảm sàn trong số 15 mã giảm (chiếm một nửa) và 7 mã đứng yên. HNX30 có 10 mã giảm với 3 mã giảm sàn, 9 mã tăng.

Tuy nhiên, thanh khoản thị trường đã có cải thiện. Giá trị giao dịch trên HoSE đạt 360,7 tỷ đồng và trên HNX đạt 195,2 tỷ đồng.

Thị trường hiện tại đang bị tác động xấu bởi thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Hà Nội tháng 9 bất ngờ tăng hơn 2,7% sau lần tăng nhẹ vào tháng 8 và giảm phát hai tháng liên tiếp trước đó. Đây là lần tăng kỷ lục của CPI Thủ đô sau 17 tháng kể từ tháng 5/2011.

Cùng với đó, ngày hôm qua, Bộ Công an thông báo ông Nguyễn Đức Kiên bị khởi tố tội lừa đảo cùng với việc ra cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với Trần Ngọc Thanh - Giám đốc và Nguyễn Thị Hải Yến - Kế toán trưởng Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội với vai trò đồng phạm. Thông tin này cũng tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư với các mã cổ phiếu ngân hàng.

Diễn biến giao dịch cổ phiếu ACB trong 3 tháng (Nguồn: HNX).

Diễn biến giao dịch cổ phiếu ACB trong 3 tháng (Nguồn: HNX).

Hai mã bị tác động xấu nhất là ACB và EIB (Eximbank) khi tiếp tục rớt xuống giá sàn. Khối lượng khớp lệnh của ACB hôm nay rất lớn, trên 2,7 triệu đơn vị. Tuy nhiên, mã này đến cuối phiên vẫn còn dư bán tới 5.600 đơn vị tại giá sàn. Sau sự cố bầu Kiên, cổ phiếu ACB đã giảm giá tới 38%.

EIB giao dịch đạt 1,35 triệu đơn vị và đến cuối phiên vẫn còn dư mua giá sàn sau phiên sáng còn trên 412 nghìn đơn vị, cho thấy cầu bắt đáy đối với mã này còn khá lớn.

MBB của ngân hàng Quân đội thành mã hiếm hoi với sắc xanh le lói khi tăng điểm nhẹ 100 đồng/cp. Mặc dù giao dịch ở mã này không đáng kể với chưa đầy 300 nghìn đơn vị. Trong khi đó, BVH của Bảo Việt tiếp tục đóng vai trò là lực đỡ cho sàn TPHCM.

Tại thời điểm 9h30', BVH tăng trần 1.500 đồng lên 31.500 đồng, đạt khối lượng giao dịch 579 nghìn đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào 405 nghìn cổ phiếu, chiếm gần 70%. Ngay tiếp sau đó, HPG của Hòa Phát cũng chạm trần.

Sau thông tin bị đưa vào diện cảnh báo của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), ITA - Tân Tạo lao thẳng xuống giá sàn 4.800 điểm, mất mốc 5.000 đồng. Tuy nhiên, cổ phiếu này được khối ngoại gom mua ở mức giá sàn khá lớn. Tính đến 10h, lực mua từ khối ngoại đối với ITA đạt hơn 850 nghìn đơn vị và tiếp tục tăng lên 865,2 nghìn đơn vị vào cuối phiên sáng. Tổng khối lượng giao dịch lúc 10h là 2,27 triệu đơn vị đã tăng lên gần 3 triệu đơn vị vào cuối phiên.

10h, tổng giao dịch của ACB đạt 1,77 triệu đơn vị và hoàn toàn bị khối ngoại bỏ qua trong khi khối lượng đặt mua vỏn vẹn chưa đầy 200 nghìn ở giá sàn.

Lúc này, PVX của TCTCP Xây lắp dầu khí đạt khối lượng giao dịch 3,4 triệu ITA tới 2,27 triệu. PVX và ITA gần như không có lệnh đặt mua.

Trong khi đó, các mã ngân hàng VCB của Vietcombank, EIB của Eximbank lẫn CTG của VietinBank đều giảm điểm. STB của Sacombank chạm sàn, mất 1.000 đồng so giá tham chiếu.

Lúc này BVH cả Bảo Việt tăng 1.000 đồng với 860 nghìn cổ phiếu được trao đổi. HPG cũng tăng 800 đồng. VN-Index mất 2,86 điểm xuống 391,65 điểm trong khi HNX ở mức 55,36 điểm, mất 1,12 điểm tương ứng giảm 1,98%. Khối lượng gia dịch trên HoSE đạt 15,56 triệu đơn vị, tương ứng 212 tỷ đồng và tại HNX là 13,8 triệu đơn vị, tương ứng 108,6 tỷ đồng.

Có 47 mã giảm sàn trong 130 mã giảm trên HoSE và 40 mã giảm sàn trong số 89 mã giảm trên HNX. Toàn sàn có cả thảy 74 mã tăng, 12 mã tăng trần. Số lượng mã đứng giá trên hai sàn lần lượt 17l và 309 mã. VN30 có 18 mã giảm (2 mã giảm sàn) và chỉ có 6 mã tăng điểm; bị mất 5,07 điểm xuống 455,37 điểm.
 
Hôm qua, theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đã bơm ra 3.829 tỷ đồng vào hệ thống thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) với lãi suất 8%/năm, kỳ hạn 7 ngày. Trừ đi khoản đáo hạn khoản vay 2.380 tỷ mà các tổ chức tín dụng 7 ngày trước đó, trong ngày 18/9, cơ quan điều hành tiền tệ đã cung ứng vốn cho hệ thống 1.449 tỷ đồng.

Mai Chi