Bất động sản thắt ruột ngóng thưởng Tết

Cắt tiệc tùng, giảm chăm sóc khách hàng, bớt xén thưởng Tết là câu chuyện được giới kinh doanh BĐS tại Hà Nội đem ra kể với nhau đầy cảm thông vào thời điểm mà đáng lẽ các năm trước đây, họ đang tíu tít điện thoại giao dịch, lu bu chốt giá, thu tiền về.

Bất động sản thắt ruột ngóng thưởng Tết - 1
Nhân viên lo doanh số

 

Chỉ vài ngày nữa là kết thúc năm 2011, cũng là lúc tổng kết doanh số cuối năm, nhân viên kinh doanh bất động sản ai cũng kêu thảm thiết vì doanh số giảm sút. Chị Thủy, nhân viên kinh doanh của sàn giao dịch ở khu Trung Hòa Nhân Chính than thở: năm ngoái chị dẫn đầu công ty về doanh số thì năm nay chỉ lo đủ định mức thôi cũng còn khó.

 

Mặc dù vậy, chị Thủy vẫn tự cho là rất may mắn khi đã kịp "lướt" được dự án đầu tư cá nhân ngay từ giữa năm. Nhiều nhân viên cùng phòng chị còn thậm tệ hơn khi hàng trót ôm, muốn bán "cắt lỗ" để có tiền trả nợ vẫn không được. Vài tháng gần đây công ty liên tục chậm lương của nhân viên, vì vậy mong được thưởng Tết như năm ngoái quả không ai dám nghĩ tới.

 

Ngay cả những đơn vị tiếp thị, tư vấn bất động sản nước ngoài cũng gặp khó khăn. Anh Nguyễn Hoàng Minh - nhân viên một công ty có vốn nước ngoài tỏ ra ngao ngán khi nói chuyện về thưởng Tết. Không có doanh số đồng nghĩa với việc không có thưởng doanh số, cũng như không có thưởng Tết. Trước đây, thưởng Tết cao nhất của anh này có năm lên tới 30 triệu đồng, nhưng hiện tại có khả năng chưa bằng 1/3.

 

"Mọi năm, công ty mình độc quyền phân phối tiếp thị một số dự án nên tha hồ bán. Năm nay, một dự án có tới ba bốn công ty cùng bán nên cạnh tranh càng khốc liệt. Người bán thì nhiều mà người mua thì không thấy đâu, doanh số bán hàng giảm sút. Sếp thì lúc nào cũng giục mà nhân viên đành phải chấp nhận chịu phạt doanh số" - anh Minh tâm sự.

 

Sếp lao đao

 

Thị trường bất động sản khó khăn cả nguồn vốn đầu vào lẫn thanh khoản khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Từ giữa năm đến nay, báo cáo của một loạt doanh nghiệp xây dựng lớn đã chỉ ra những khoản thua lỗ hoặc không có lãi khi "mắc cạn", "đánh đu" vào thị trường này. Điều tất yếu của những doanh nghiệp còn trụ lại là sự cắt giảm, tiết kiệm chi tiêu, nhất là thời điểm cuối năm.

 

Đây có lẽ là năm khó khăn nhất đối với thị trường nói chung và doanh nghiệp mình nói riêng. Càng cuối năm lãnh đạo càng như ngồi trên đống lửa với bao nhiêu thứ tiền phải chi trả đối nội đối ngoại - một giám đốc Công ty bất động sản tại Mỹ Đình tâm sự.

 

Vị này cho biết, quán triệt tinh thần tiết kiệm, tiệc Giáng sinh vừa rồi của công ty sẽ nhập vào tổng kết năm. Hơn nữa, thay vì tổ chức ở khách sạn 4 sao như năm ngoái, buổi tiệc sẽ chuyển vào địa điểm khiêm tốn hơn. Thậm chí, đại diện này cũng đang tính chuyện cắt việc in lịch Tết cho đối tác và nhân viên...

 

Ông N.T.H - giám đốc một công ty kinh doanh, môi giới bất động sản có tiếng tại Hà Nội, cũng cám cảnh với thị trường bất động sản năm nay. Công ty của ông N.T.H có 3 văn phòng giao dịch tại Hà Nội nhưng mấy tháng gần đây số lượng giao dịch chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi tháng tiền thuê địa điểm, trả lương nhân viên cùng các khoản chi tiêu khác, công ty ông cũng phải xoay xở với "gánh nặng" đến... vài trăm triệu đồng.

 

"Câu chuyện cắt giảm của doanh nghiệp nhiều khi lại trở thành vấn đề xôn xao trên thị trường bất động sản. Mới đây, sếp của một doanh nghiệp ở Bắc An Khánh bán xe sang đã bị đồn là công ty sắp phá sản", ông N.T.H cho biết như vậy rồi khẳng định, dù rất khó khăn nhưng giải pháp đóng cửa văn phòng sẽ ảnh hưởng nhiều đến uy tín. Dù thế nào, ông cũng phải gắng cầm cự, chịu thiệt hại cho qua giai đoạn này.

 

Lãnh đạo nhiều công ty bất động sản tự trấn an, đến công ty nước ngoài, vốn lớn còn gặp khó khăn; nhiều công ty, tập đoàn lớn đang nợ lương nhân viên, thì chuyện các công ty nhỏ lẻ trong nước phá sản, lao đao là chuyện bình thường.

 

"Không có thưởng Tết sẽ là điều đáng buồn nhất đối với cán bộ nhân viên nhưng nếu đứng trên bình diện của các chủ doanh nghiệp bất động sản năm nay, với rất nhiều khó khăn từ nền kinh tế vĩ mô, các chính sách tài khóa, thị trường đều quay lưng thì theo tôi, các chủ doanh nghiệp bất động sản xứng đáng được thông cảm, chia sẻ" - một ý kiến nhìn nhận.

 

Trước đó, trao đổi trong hội nghị doanh nghiệp ngành xây dựng lần đầu tiên được Bộ Xây dựng tổ chức hồi trung tuần tháng 12, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, bất động sản đóng băng, các doanh nghiệp thi nhau phá sản đóng cửa cũng có mặt tích cực của nó - phản ánh đúng nội tại, bất cập của lĩnh vực, thị trường này trước thử thách chung của nền kinh tế.

 

Phủ nhận những quan điểm cho rằng Nhà nước cần có động thái can thiện, giữ thái độ bình thản, lãnh đạo cơ quan đầu ngành này nêu chính kiến: kinh tế bất động sản, trong đó thị trường bất động sản không thể tách rời kinh tế vĩ mô. Sự khó khăn hiện nay có liên quan, bị ảnh hưởng từ khó khăn của kinh tế thế giới và các vấn đề nội tại của trong nước. Thiệt hại này các doanh nghiệp chịu thiệt nhiều, thời gian này, không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải điều chỉnh, cố gắng gồng mình vượt qua.

 
Theo Duy Anh
VEF