Bất động sản ở TPHCM”: Từ “hoành tráng” đến “hoang tàn”
Những căn biệt thự này từng một thời được chào bán với giá hàng tỉ đồng, nay lâm vào cảnh "trơ gang cùng tuế nguyệt".
Từng một thời có giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng, nhưng khi thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng, nhiều dự án BĐS tại thành phố này rơi vào cảnh hoang tàn khiến cho một nguồn lực không nhỏ của xã hội bị chôn vùi theo năm tháng.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Những dự án vắng bóng người
Tại khu vực quận 9 của TP HCM, nhiều dự án khu dân cư đang trong tình trạng hoang hóa. Thậm chí, có dự án mặc dù đã hoàn thiện hạ tầng, hàng chục căn biệt thự, nhà phố được xây lên với giá trị hàng tỷ đồng nhưng lại bỏ hoang nhiều năm như những căn nhà “ma”.
Đến nay, phần lớn các dự án vẫn là những bãi cỏ mọc phủ đầu người rộng mênh mông chẳng khác gì đồng cỏ hoang. Tuy gần đây, một số con đường quan trọng gần các dự án này được đưa vào sử dụng như cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây nhưng các dự án này vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng vắng bóng người.
Đơn cử như Khu đô thị mới Đông Tăng Long với diện tích gần 160ha tại phường Trường Thạnh, quận 9. Năm 2004, UBND TPHCM có phê duyệt đồ án quy hoạch 1/500 Khu đô thị mới Đông Tăng Long với diện tích gần 160ha. Và đến năm 2006, UBND TP giao Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư xây dựng dự án. Lãnh đạo TP rất kỳ vọng vào sự thay đổi của khu vực này khi đại diện chủ đầu tư cho biết sẽ xây dựng các chỉ tiêu về cây xanh, mặt nước tại dự án theo tiêu chuẩn… châu Âu.
Đến nay, “kỷ niệm” 10 năm dự án được phê duyệt quy hoạch 1/500 và 8 năm TP có quyết định giao đất cho chủ đầu tư, nhưng công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong, hạ tầng nham nhở.
Hay như năm 1997 dự án khu nhà ở dành cho cán bộ, nhân viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM được triển khai tại phường Phú Hữu quận 9. Tuy nhiên, từ đó đến nay chỉ một vài ngôi nhà mọc lên, còn lại vẫn hoang hóa, một số khác được chủ nhân xây tường giữ đất.
Một người dân sống tại đây cho biết, 10 năm nay khu này hạ tầng vẫn nham nhở, chỉ một vài ngôi nhà mọc lên. Tuy nhiên xót xa nhất với sự lãng phí là cảnh nhiều biệt thự, nhà phố xây dựng với giá trị hàng tỷ đồng thế nhưng không ai ở và nhiều người đã tận dụng để nuôi chim yến.
Ghi nhận của PV, những hình ảnh thực tế biệt thự bỏ hoang tại dự án Khu dân cư Khang An, phường Phú Hữu, quận 9. Dự án Khu dân cư Khang An do Công ty địa ốc Khang An làm chủ đầu tư rộng 11,5 ha với với hàng chục biệt thự, nhà phố đã thi công đến giai đoạn hoàn thiện nhưng vẫn phải bỏ hoang từ nhiều năm nay. Một số xuống cấp trầm trọng được chủ nhân xây bít cửa ra vào để ngăn người nghiện vào chích hút, một số căn biệt thự trở thành nơi nuôi chim yến với tiếng máy “dụ” yến réo rắt cả ngày.
Tắc đầu ra, gà không còn “đẻ trứng vàng”
Từng một thời được kỳ vọng sẽ là những “con gà đẻ trứng vàng” cho các nhà đầu tư cũng như khách mua, thế nhưng do bị tắc đầu ra, những “con gà đẻ trứng vàng” ngày nào đang từng ngày lâm vào cảnh bị “hụt hơi” trước lãi suất ngân hàng cũng như những áp lực của các nhà đầu tư khác khi muốn được “giải cứu”.
Không riêng gì các dự án tại khu vực ngoại thành, tại các quận thuộc trung tâm thành phố, nhiều dự án “vang bóng một thời” ở vẫn ngủ mê mệt. Một khối tài sản lớn của chủ đầu tư và khách hàng đang chôn vùi tại các dự án này, gây nên một sự lãng phí lớn.
Đáng tiếc hơn hết là khu phức hợp căn hộ - thương mại cao cấp ở khu Nam Sài Gòn. Từng được mệnh danh là "thiên đường nhiệt đới" - dự án Kenton Residences do Công ty TNHH XD - SX - TM Tài Nguyên làm chủ đầu tư nằm trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè.
Đây là một dự án có vị trí khá đắc địa. Tuy nhiên, với khối lượng công trình thực hiện quá lớn (6/9 tòa nhà) và giá chào bán dao động từ 1.500 - 2.250 USD/m2 ở thời điểm 2009 - 2010 đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu vì hiện nay, ngay trục Nguyễn Hữu Thọ, hàng chục dự án căn hộ đang thi công, giao nhà, rao bán với mức giá khá phù hợp với nhiều khách hàng có nhu cầu đã mọc lên và cạnh tranh khốc liệt.
Đại diện của Kenton Residences đã từng nêu ra giải pháp chuyển đổi dự án thành khách sạn 5 sao với một đối tác nước ngoài. Song, theo thông tin mà chúng tôi có được, thỏa thuận giữa chủ đầu tư với đối tác nước ngoài này không đi đến đâu vì nhà đầu tư muốn khai thác thêm casino trong khách sạn 5 sao này.
Từ năm 2011 đến nay, dự án này đã gần như ngừng thi công. Đặc biệt, tại các hạng mục còn dang dở sắt thép đã han gỉ, cỏ mọc um tùm. Mỗi khi đêm về, dự án không khác gì ngôi nhà hoang giữa lòng khu đô thị mới.
Bản danh sách vẫn còn một số dự án khác dừng thi công hoặc thi công cầm chừng như: M&C Tower (quận 1), Waseco-Indochina Plaza (Tân Bình), Blue Star Block 1 (Phú Xuân, Nhà Bè), Song Da Riverside (P.Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức), Ngọc Đông Dương (quận Bình Tân), 584 Lilama Nguyễn Oanh (Gò Vấp)...Nhiều dự án ở Nhà Bè, Q.2, Q.7, Q.8… cũng trong tình trạng tương tự.
Hầu hết các dự án rơi vào tình trạng nói trên do đầu ra bị “tắc”, chủ đầu tư không có khả năng tài chính để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng; một số dự án người mua chỉ để đầu cơ đợi giá lên bán nên chẳng cần xây nhà.
Liên quan đến việc thu hồi các dự án chậm triển khai thời gian qua, các cơ quan chức năng đã làm khá quyết liệt nhưng chỉ dừng lại xem xét đối với các dự án đang trong giai đoạn thuận chủ trương đầu tư hay bồi thường dở dang.
Trong khi các dự án nói trên đã được giao đất cho chủ đầu tư và đã được chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, một số được người mua xây nhà nên xử lý không dễ. Khó có thể hình dung một lượng vốn đầu tư lớn đến thế nào đang bị chôn trong những dự án này. Một khối tài sản lớn của xã hội đang lãng phí từng ngày.
Theo Trường Sơn - Bảo Chương