Bất cập chính sách tỷ giá

Dù Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng nhưng khoảng cách giữa tỷ giá thị trường tự do và chính thức đến nay ngày càng xa hơn. Trên thị trường tự do, tỷ giá vừa vọt lên 20.000 đồng/USD.

Bất cập chính sách tỷ giá - 1
Cầu ngoại tệ căng thẳng, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu một vài tổng công ty lớn bán ngoại tệ cho ngân hàng (ảnh minh hoạ: SGTT).

Sẽ kết hối?

Cho đến cuối tuần qua, để mua được một USD trong hệ thống ngân hàng thương mại, doanh nghiệp phải bỏ ra 19.450 đồng (với các thủ thuật lách qui định), phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết. Trong khi đó, tính đến nay, giá cả đồng ngoại tệ này ngoài thị trường tự do đang “nhảy nhót” ở mức 20.000 đồng/USD.

Chính vàng là nguyên nhân gây ra cuộc đột biến về tỷ giá USD/VND mới đây. Việc Ngân hàng Nhà nước cho nhập vàng trấn an thị trường, theo phó tổng giám đốc trên, nhiều doanh nghiệp cũng không thể có tiền (USD) để nhập.

Cầu ngoại tệ căng thẳng, ngoài nguyên nhân chính là cán cân thanh toán chung, một phần còn từ hoạt động đầu tư vàng và USD của nhiều người dân. Chỉ trong vòng một tuần qua, quyết định thu gom USD của người dân có thể lãi 5 - 6%, một tỷ lệ hấp dẫn và lôi kéo nhiều người chạy theo món lợi này hơn.

Và chính vì USD hấp dẫn và bị đầu cơ càng đẩy cầu ngoại tệ chính thức trở nên căng thẳng. Nhiều người không gửi ngoại tệ ở ngân hàng mà tìm lợi nhuận trên thị trường tự do. Trong khi đó, tỷ giá chính thức niêm yết của các ngân hàng thương mại vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường tự do, mua vào bán ra ở mức 18.882 đồng/USD (ngày 24/11).

Chính vì khó nới biên độ tỷ giá lên cao hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước một lần nữa đang gỡ bài toán khó bằng phương án kết hối ngoại tệ (doanh nghiệp có ngoại tệ phải bán ngay một phần hoặc toàn bộ cho ngân hàng).

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu một vài tổng công ty lớn bán ngoại tệ cho ngân hàng. Dự tính, khoảng 5 - 6 tỉ USD sẽ được bán ra trong thời gian tới, sẽ làm dịu đi cơn “khát” USD và “dập tắt” cơn sốt trên thị trường tự do. Tuy nhiên, chưa rõ tỷ lệ và thời gian kết hối là bao nhiêu và bao lâu.

Những rủi ro

Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, chuyên gia kinh tế, một lượng ngoại tệ không nhỏ bị tỷ giá cao trên thị trường tự do lôi kéo và nằm ngoài hệ thống ngân hàng. Một hệ lụy khác là các nhà nhập khẩu phải điều chỉnh giá bán hàng hóa, nguyên liệu, thiết bị nhập về ra thị trường để cân đối theo tỷ giá, mà nơi đến là người tiêu dùng cuối cùng.

Theo các chuyên gia kinh tế, thực tế đang phản ánh cung cầu về ngoại hối gặp vấn đề, xuất phát chính từ cán cân thanh toán chung. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, chính sách tỷ giá hiện nay tác động lớn đến nền kinh tế vì xét về mặt vĩ mô, có rủi ro về tỷ giá và rủi ro về dự trữ ngoại hối.

Theo đó, khi tỷ giá chính thức thấp hơn tỷ giá ngoài thị trường tự do, đến một lúc lượng cầu lớn hơn lượng cung có trên thị trường, thì luôn có sức ép đẩy tỉ giá tới tỷ giá thật.

Khi thị trường ngoại hối căng thẳng, Ngân hàng Nhà nước “bơm” ngoại tệ ra, và “bơm” ra bao nhiêu thị trường lại “hút” hết bấy nhiêu. Việc này làm cho dự trữ ngoại hối giảm, nhưng lại không làm bớt căng thẳng thị trường ngọai hối.

Vì vậy, can thiệp thì việc Ngân hàng Nhà nước phải làm, nhưng lại chưa thiết lập được cân bằng thị trường”, ông Tự Anh nói. Theo ông, nếu tình trạng kéo dài, có thể khiến nhiều người vì lo ngại sự mất giá của tiền đồng mà chuyển sang nắm giữ đồng USD.

Rủi ro kế tiếp là ở doanh nghiệp. Phần lớn hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp liên quan hoạt động xuất nhập khẩu. Trong chuỗi các giá trị đó, khi tỷ giá bấp bênh, người xuất khẩu không bán USD, người nhập khẩu không mua được USD, thì không nhất thiết thị trường mất cân bằng cũng đưa đến sự căng thẳng.

Một rủi ro nữa là rủi ro về tỷ giá hiện nay là lớn, trong khi phần lớn doanh nghiệp không phòng vệ được, đưa đến sản xuất hoạt động kinh doanh bị hạn chế một phần.

Theo Hồng Sương
Báo SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm