Bảo tàng gốm sứ Minh Long: Giấc mơ hơn 2 thập kỷ của ông Lý Ngọc Minh
(Dân trí) - Bộ đèn 5 tầng nặng hơn 3 tấn, tranh sen 4 mùa, vườn hoa tulip, tượng phụ nữ cao 1,7 mét nung liền khối…, cùng các tác phẩm độc bản, với kỹ thuật chế tác tinh xảo, sống động như thật, tất cả đều bằng sứ, lần đầu xuất hiện ở Bảo tàng gốm sứ Minh Long.
Lễ khai trương bảo tàng vừa diễn ra ở Bình Dương. Bảo tàng nằm trong khuôn viên Công ty TNHH Minh Long I, sẽ mở cửa cho mọi người tham quan trong thời gian tới.
"Ngoài sức tưởng tượng", "không nghĩ bàn tay, khối óc con người làm ra", "chiều sâu văn hóa, bức tranh thiên nhiên tươi đẹp như hiện diện hết trong đây"… là nhận xét của hàng trăm khách mời, lãnh đạo cơ quan ban ngành khi chiêm ngưỡng các tác phẩm.
Chúng đặc biệt, bởi nhiều hiện vật mất chục năm, thậm chí hơn 20 năm để hoàn thành, lần đầu giới thiệu đến công chúng. Ngoài sự kỳ công trong chế tác, mỗi tác phẩm còn là "đại sứ" truyền tải giá trị văn hóa, nghệ thuật của người Việt đã gìn giữ qua bao thế hệ.
Những tác phẩm để đời
Trước cửa đại sảnh là hồ nước, với điểm nhấn chiếc Chén ngọc đường kính 4,5m, điêu khắc tinh xảo, chế tác hơn 10 năm, bên trong chứa đầy nước.
Liền kề là Bức tranh phù điêu Đất nước tôi - Dân tộc tôi. Đất nước tôi nói về đời sống trải dài từ Bắc vào Nam, Dân tộc tôi mô tả 54 dân tộc với hành trình dựng nước. Danh xưng chung thay vì gọi tên cụ thể như một niềm tự hào chung, dùng nghệ thuật để lột tả nét đẹp lịch sử trong truyền thuyết lẫn đời sống. Mỗi người Việt đến đây đều có thể thấy dáng dấp ông bà, bố mẹ, anh em mình qua loạt tiểu cảnh sinh hoạt yên bình, trang phục đến đặc trưng văn hóa vùng miền, lối sống.
Bước vào đại sảnh là cảm giác choáng ngợp, mỹ lệ với bộ đèn 100% bằng sứ, cao 5 tầng, lấy cảm hứng từ truyền thuyết con rồng cháu tiên.
"Đã "quần nát" những kinh đô gốm sứ lớn của thế giới, tôi chưa từng thấy công ty nào dám làm đèn sứ 100%, chưa nói đến đèn sứ 5 tầng. Mỗi chi tiết trong chiếc đèn này đều là kỷ lục mà thế giới chưa từng có", ông Lý Ngọc Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên nói.
Tô điểm cho không gian phòng khách là bức tranh Sơn Hà - dùng hình ảnh linh vật đầu rồng mỏ phượng để biểu đạt vẻ đẹp hùng vĩ đất nước, hay tranh Cẩm Tú với màu xanh vua (King blue).
Nếu là người yêu thiên nhiên, bạn sẽ khó rời bước khi chiêm ngưỡng tranh Sen bốn mùa - Xuân hạ thu đông, với mùa xuân sen chớm nở, mùa hạ nắng chói, mùa thu chuồn chuồn rợp trời báo hiệu thời tiết thay đổi, đến đông - lá và hoa dần tàn. Từng cánh sen, nụ hoa, chiếc lá bắt đầu héo úa… cứ ngỡ như thật, nhưng thực chất là bằng sứ.
Đó cũng là trải nghiệm khi tiến đến bức tranh Đồng hồ Bướm với hàng trăm cánh bướm hội tụ, như giấc mộng thần tiên.
Theo Tổng giám đốc Lý Huy Sáng, điều khó nhất là lột tả vẻ đẹp thiên nhiên một cách mềm mại, tự nhiên trong khi sứ lại cứng, chắc. Bức tranh lớn phải có nền, nhưng chia ô thì xấu mà chia tấm lại nhàm. Cuối cùng ông tạo những đợt sóng bằng khối hình học ghép từ tam giác và lục giác. Nhờ thế, bức tranh làm từ sứ mà lại mềm mại. Nét tự nhiên, chân thật còn thể hiện qua hình dáng bướm. Bướm đa sắc, có đỏ tươi, có tím ngát, vàng chanh, xanh mướt… Có cánh bướm thong dong, cánh bướm vội vã, mỗi chú bướm được sắp đặt ngẫu nhiên, hỗn độn như trong khung cảnh thực tế, tạo hiệu ứng thị giác mạnh.
Sự rực rỡ của thiên nhiên còn thể hiện qua rặng tulip muôn sắc. Từng bông hoa, cái lá được nắn với kích thước như thật. Dù làm bằng sứ nhưng mọi chi tiết mềm mại, búp hoa tròn đầy, thân cành nghiêng khẽ, có lá vút cong nhưng cũng có lá cuộn tròn. Không có 2 hoa nào giống hoàn toàn, bởi tất cả đều nắn thủ công, độc nhất. Nơi này là vàng tươi, bên kia cam ngọt, có bông đơn sắc nhưng cũng có cánh từ vàng phớt cam rồi lại chuyển đỏ, hồng. Dưới ánh đèn chiếu rọi, mọi chi tiết càng chân thật.
Khu trưng bày những sản phẩm kích cỡ nhỏ nhất là điểm đến đáng yêu. Cũng chiếc xe, cái cây, bông hoa, cảnh sinh hoạt, vật dụng trong gia đình… nhưng tất cả thu nhỏ lại chỉ vài cm, tiêu biểu cho mỹ thuật văn hóa Việt Nam.
Sản phẩm làm từ sứ, có cả hoa cưới, đôi bông tay, vòng cổ cho cô gái hay chiếc bút cho doanh nhân vốn mất hơn 20 năm mới hoàn thành.
Trong bảo tàng còn có những chiếc cúp; tượng linh vật; thiên nga; tượng chú hạc; bộ ghế salon; ba bức tượng phụ nữ độ cao 1,7 mét nung liền khối, thể hiện đặc trưng văn hóa phương Nam, miền Bắc, miền Trung. Đây đều là sản phẩm độc bản.
"Dù giới hạn thời gian nhất, bạn vẫn nên dành ít nhất 4 tiếng để rảo qua toàn bộ không gian này, lắng nghe một cách giản lược nhất những tinh hoa trong chế tác. Ở mức độ trung bình, mỗi không gian cần khoảng hai tiếng. Còn với người yêu cái đẹp của nghệ thuật và gốm sứ, hãy dành 3-4 tiếng để lưu lại mỗi khu vực, nghiền ngẫm những câu chuyện mênh mông để cô đọng cho mình bài học đắt giá", ông Lý Ngọc Minh chia sẻ.
Cứ mỗi 3 tháng, 6 tháng và sau này là hàng tháng, các sản phẩm trưng bày sẽ được luân phiên thay đổi, để du khách ghé đến lần ba, lần tư vẫn cảm thấy muôn điều mới mẻ, thú vị.
Giấc mơ hơn 2 thập kỷ
Nhìn công trình bề thế, ai cũng hỏi ông Lý Ngọc Minh đã bắt đầu như thế nào, triển khai ra sao, làm thế nào để được như hiện tại… "Mỗi tác phẩm tại đây, có cái mất 5-6 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm mới xong, nhưng đều chứa trọn tâm tình của người thợ làm gốm, yêu cái đẹp. Mỗi tác phẩm là tình yêu mãnh liệt của tôi luôn khát khao đưa ngành gốm sứ Việt lên tầm cao mới", ông Lý Ngọc Minh trải lòng.
Giấc mơ ấy khởi nguồn cách đây hơn 2 thập kỷ. Ông đã nghĩ đến việc xây dựng tại nhà máy một văn phòng có showroom trưng bày, nhưng canh cánh câu hỏi: "Nếu chỉ dừng lại ở sản xuất và trưng bày, liệu đã thật sự hoàn thành sứ mệnh của một hãng gốm sứ bài bản, có xứng tầm với vị thế của thương hiệu nổi tiếng?". Đó cũng là lúc ý tưởng về Bảo tàng gốm sứ Minh Long hiện về.
Với những thành phẩm trưng bày tại bảo tàng hôm nay, ông đã cho thế giới biết rằng, Việt Nam cũng có tác phẩm sứ tuyệt đẹp, được tạo nên từ con người tài hoa của đất nước. Các họa tiết cũng như mỹ thuật đặc sắc được sáng tạo và thể hiện qua công nghệ sản xuất tiên tiến, với chất liệu sứ cao cấp 1.380⁰C (tiêu chuẩn cao nhất của Đức).
Công nghệ chế tác đó còn ứng dụng trên nhạc cụ, là chiếc trống, đàn nhị, violon, sáo, đàn bầu, đàn tranh, làm bằng sứ, nhận phản hồi tích cực từ giới nghệ sĩ và người nghe, bởi chất lượng thanh âm thanh tao, trong trẻo. Quá trình chế tác từng nhạc cụ mất nhiều năm, đập đi xây lại liên tục, do gốm sứ thường cứng, khó làm mỏng, phải điều chỉnh rất nhiều để tạo độ rung động, chạm đến trái tim khán giả.
Tốn kém biết bao thời gian, tiền bạc, tâm sức, lại chưa thương mại hóa phần lớn thành phẩm bên trong bảo tàng, nhưng ông Minh vẫn kiên trì đến cùng. Những tác phẩm sứ mang hơi thở phương Đông hòa quyện cùng nghệ thuật phương Tây hiện đại, vượt qua giới hạn của chất liệu, mang trong mình câu chuyện về sự bền bỉ, khát vọng chinh phục đỉnh cao, cùng dấu ấn văn hóa, cứ lần lượt thành hình.
Với tinh thần đó, mỗi hiện vật không chỉ minh chứng cho sự kết hợp giữa kỹ thuật - nghệ thuật - mỹ thuật - văn hóa, mà còn là câu chuyện sống động về tinh thần sáng tạo công phu, ẩn chứa triết lý nhân sinh.
"Di sản quý giá nhất mà chúng tôi để lại không phải nhà máy, thành tựu vật chất, đó là văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, từ cách thức làm việc, sự chuyên môn bài bản và tinh thần cầu tiến luôn học hỏi. Đó mới là giá trị bền vững để thế hệ mai sau kế thừa, tiếp tục vươn lên, đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực gốm sứ cũng như lĩnh vực khác", ông Lý Ngọc Minh trải lòng.