1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bảo hiểm “khóc ròng” với khoản nợ 6.000 tỷ

(Dân trí) - Chỉ 20% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm bắt buộc, hơn 70% doanh nghiệp ngoài quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài “quên” đóng BHXH. Dự báo đến hết năm 2011, nợ đọng khó đòi lên tới 6.000 tỷ đồng.

Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo đánh giá 5 năm thực hiện Luật Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Gian nan đi kiện doanh nghiệp trốn bảo hiểm

Theo báo cáo, trong 5 năm qua  BHXH đã tiếp nhận và giải quyết chế đọ cho trên 600 ngàn người hưởng lương hưu; trên 2,4 triệu người hưởng trợ cấp BHXH một lần, hơn 20 triệu người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, giải quyết 22.500 người hưởng BHXH tự nguyện và trên 180.000 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, luật BHXH đã thể hiện bất cập khi quy định giữ lại 2% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHXH của đơn vị để chi trả cho người lao động lúc ốm đau, giải quyết chế độ tai nạn lao động đối với trường hợp là tai nạn giao thông khá phức tạp, trong khi cán bộ trực tiếp giải quyết chính sách còn chưa thông thạo (hoặc cố tình không tuân thủ đúng quy định của pháp luật, quy định ngành BHXH) đã ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi người lao động.

Dự báo đến hết năm 2011, DN còn trốn đóng hoặc chây ỳ tiền BHXH lên tới 6.000 tỷ đồng nhưng sẽ rất  khó đòi vì chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, cán bộ thanh tra ít nên không kịp xử lý…

Tình trạng đi đòi nợ các DN tiền BHXH còn được ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam khắc họa: tại Tp.HCM, tính đến hết năm 2010, tại thành phố này có hơn 19.000 DN, đơn vị nợ đóng BXH của gần 700.000 người lao động với tổng số tiền nợ lên đến gần 374 tỷ đồng (có DN còn nợ hơn 10 tỷ). Quá hạn, cơ quan BHXH phải đi đòi bằng việc trích tiền từ tài khoản của DN. Thế nhưng, hầu hết các DN đối phó bằng cách luôn để tài khoản “trống trơn”. Ngay cả khi thanh tra có quyết định xử phạt hành chính cũng khó lấy được tiền bởi hiện nay không có cơ chế cưỡng chế với các DN có sai phạm. Không lấy được tiền, cơ quan bảo hiểm chỉ biết cách khởi kiện. Thế nhưng, việc khởi kiện DN nợ BHXH ra toà cũng “gian nan” do vướng mắc rất nhiều về thủ tục phức tạp, tốn kém thời gian, công sức. Rồi đợi khi thắng kiện, nhiều DN đã cao chạy bay xa rồi. Và người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người lao động.       

Bảo hiểm “khóc ròng” với khoản nợ 6.000 tỷ - 1

Rất nhiều doanh nghiệp cố tình trốn đóng Bảo hiểm. (Ảnh minh họa)

Bổ sung cho những bất cập quanh Luật BHXH, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra về các vấn đề xã hội cho biết thêm, khi  xuống địa phương, ông mới vỡ lẽ thêm rằng, báo cáo bằng văn bản thì nói lãnh đạo địa phương quan tâm nhưng khi làm việc cụ thể thì sự quan tâm này lại khá “nhạt nhòa”. BHXH như là cơ quan “tầm gửi” ở địa phương. Ngoài ra, ở nhiều địa phương cũng không có sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan liên quan trong việc quản lý, rà soát, thống kê đối tượng, đối chiếu tài chính của doanh nghiệp…Đây là nguyên nhân khiến cho nhiều người lao động không được các chủ doanh nghiệp đóng BHXH. Họ chỉ biết khi có bệnh vào viện mà không được BHXH thanh toán. Công việc thì bộn bề, áp lực nặng nề nhưng số người biên chế trong ngành rất ít (nhất là tại Hà Nội và Tp.HCM). Vì thiếu người nên có trường hợp, người dân phải đợi vài tháng sau kể từ khi hoàn thành hết thủ tục mới được giải quyết chế độ. Nguy hiểm hơn cả, chính bộ máy quản lý chưa ổn định, chất lượng cán bộ còn thấp, không đồng đều giữa các khu vực, vùng miền.

Quỹ hưu trí và tử tuất sắp mất cân đối

Cũng theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến năm 2010, quỹ hưu trí tử tuất còn tồn dư trên 113.000 tỉ đồng. Dự kiến năm 2011, ngân sách chuyển cho quỹ BHXH tiền đóng BHXH của đối tượng tham gia BHXH trước 1/10/1995 là 85.000 tỉ đồng. Song theo đánh giá Vụ Bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí và tử tuất tiềm ẩn mất cân đối trong dài hạn. Nguyên nhân hiện số người đóng BHXH cho một một người hưởng lương hưu có chiều hướng giảm mạnh; mức độ tăng lương hưu trong 5 năm khá lớn so với tốc độ tăng trưởng của quỹ. Tính chung trong 5 năm ( 2007-2011), qua 5 lần điều chỉnh, lương hưu của người nghỉ hưu đã được điều chỉnh tăng thêm 85% so với thời điểm tháng 12/2007, trong khi đó tỷ lệ tăng trưởng bình quân của quỹ BHXH dưới 10% năm.

Theo tính toán BHXH Việt Nam dự báo từ năm 2024 trở đi để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm phải trích thêm từ số dư của quỹ. Năm 2037 nếu không có chính sách tăng thu hoặc giảm chi thì BHXH sẽ không đảm bảo khả năng chi trả.

 “Đã đến lúc phải tính toán, nghiên cứu để sửa đổi Luật BHXH tuy nhiên việc sửa đổi phải dựa vào trên nguyên tắc xác định mô hình chung của BHXH trong tương lai để gắn với sửa Luật BHXH phù hợp, khả thi tránh sửa chắp vá, mang tính thời điểm” - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Trên cơ sở phân tích đánh giá thực trạng  cũng như quá trình triển khai Luật BHXH trong 5 năm qua, các đại biểu đều thống nhất cần phải sửa đổi Luật BHXH cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Cụ thể  Tại Khoản 3 Điều 94 Luật BHXH quy định tiền lương, tiền công quy định tại tại khoản 1,2 Điều 94 ( gồm cả lao người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định ) cao hơn 20 lần tháng lương tối thiểu chung thì mức tiền lương, tiền công đóng BHXH bằng 20 tháng tiền lương tối thiểu.

Theo các đại biểu quy định này cần sửa đổi bởi trên thực tế thang bảng lương do Nhà nước xây dựng và ban hành đối với cơ quan hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước không có mức lương nào cao hơn 20 lần mức lương tối thiểu chung. Hơn nữa, quy định này không được người lao động ở khu vực ngoài Nhà nước có thu nhập cao đồng tình khi họ muốn đóng và hưởng ở mức cao hơn…

 P. Thanh – H. Như