Bảo hiểm bắt buộc ô tô, xe máy: Chính sách an sinh xã hội cho toàn dân
(Dân trí) - Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, một trong những điều kiện để người lái ô tô, xe máy được tham gia giao thông là phải có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự.
Như vậy, khi bạn sở hữu một chiếc ô tô hay xe máy, đồng nghĩa với việc bạn phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Còn gặp lúc phải mượn chiếc xe của ai đó để chạy, bạn đừng quên mang kèm Giấy chứng nhận bảo hiểm nếu không sẽ gặp rắc rối nhiều lần trên đường.
Bởi lẽ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy không phải là loại hình bảo hiểm thương mại mà được xem là chính sách an sinh xã hội của Chính phủ. Ý nghĩa nhân đạo của chính sách này là bảo đảm nguồn hỗ trợ đủ lớn và kịp thời cho các nạn nhân tai nạn giao thông mà không phụ thuộc vào việc người gây tai nạn có khả năng chi trả hay không.
Nhờ đó, nạn nhân được hỗ trợ tài chính nhanh chóng và kịp thời, có điều kiện được chăm sóc tốt hơn, được khắc phục các thiệt hại về người, tài sản, sức khỏe. Ngược lại, chủ xe máy cũng được giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị cho nạn nhân cũng như các thiệt hại khác.
Theo quy định hiện hành, mức phí bảo hiểm được quy định khá thấp, chỉ bằng 1-2 bữa ăn sáng bình dân như sau:
Tuy nhiên, quyền lợi bồi thường rất lớn so với phí bảo hiểm. Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/1/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới quy định thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm hợp lệ và không quá 30 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
Điểm đột phá là công ty bảo hiểm không đợi đến khi hoàn thành toàn bộ hồ sơ mới chi trả bồi thường, mà sẽ thay mặt chủ xe chuyển tiền tạm ứng cho nạn nhân tai nạn giao thông trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về vụ tai nạn.
Như vậy, chủ xe chỉ trả một mức phí bảo hiểm khá thấp nhưng nhận được quyền lợi bảo vệ tài chính rất cao để bồi thường cho nạn nhân nếu chẳng may gây tai nạn. Tuy nhiên, nhiều người bỏ qua những thông tin hữu ích này, vì nhiều lý do không màng tham gia bảo hiểm bắt buộc nên gặp không ít rắc rối khi lưu thông trên đường. Nếu bị cảnh sát giao thông "vịn" lại, vừa phải mất thời gian giải trình, vừa mất tiền đóng phạt và đáng lưu ý là sẽ bị phạt nhiều lần nếu vẫn không kịp "sắm" Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Hiện nhiều doanh nghiệp đã triển khai cung cấp loại hình giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử cho người mua bên cạnh thẻ giấy truyền thống. Sau khi mua bảo hiểm trực tuyến theo hướng dẫn trên website của các doanh nghiệp hoặc trên các sàn thương mại điện tử, khách hàng có thể tra cứu Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử bằng cách sử dụng 1 trong 3 thông tin sau để kiểm tra: Biển số xe, mã số trên Giấy chứng nhận bảo hiểm (đây là mã số do Trung tâm mã số mã vạch quốc gia cấp), số đơn bảo hiểm (do doanh nghiệp phát hành). Đối với khách hàng có nhu cầu có bản in trên giấy có thể in ra và đến văn phòng gần nhất của doanh nghiệp để ký tên và đóng dấu nhằm phục vụ cho việc kiểm tra khi không có sóng viễn thông để xác minh chữ ký điện tử.
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trích 1% tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới để đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới (được Bộ Tài chính giao cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam quản lý). Quỹ sẽ thực hiện công tác chi hỗ trợ nhân đạo cho nạn nhân trong tai nạn giao thông trong 3 trường hợp: (1) không xác định được xe gây tai nạn; (2) xe không tham gia bảo hiểm hoặc (3) Các trường hợp bị loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Người dân có thể gọi số đường dây nóng 0948 48 5285 để thông báo về các trường hợp tai nạn giao thông cần được hỗ trợ nhân đạo.