Bảo hiểm Bảo Minh đặt mục tiêu doanh thu 5.700 tỷ, trả cổ tức tiền mặt 15%
(Dân trí) - Ngày 28/4, tại TPHCM, Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022. Thông qua đại hội, BMI sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt 15% và đặt ra kế hoạch tổng doanh thu năm 2022 đạt 5.700 tỷ đồng.
Tăng trưởng ấn tượng
Thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của BMI trong năm 2021, ông Phạm Minh Tuân, Phó tổng giám đốc BMI cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng, BMI cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, toàn hệ thống kinh doanh của BMI đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh do ĐHĐCĐ và Hội đồng quản trị (HĐQT) đề ra.
Năm 2021, tổng doanh thu của BMI đạt 5.347 tỷ đồng, tăng trưởng 6,41% so với năm trước, bằng 106,4% kế hoạch đặt ra. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 4.496 tỷ đồng, duy trì "top 4" thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Trong đó, doanh thu nhận tái bảo hiểm là 524,4 tỷ, doanh thu hoạt động đầu tư và tài chính đạt 326,3 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 306,2 tỷ đồng, bằng 110,58% so với kế hoạch, ROE ở mức 11% vượt kế hoạch tối thiểu 10% đề ra trong năm, bằng 128,8% so với năm 2020.
Trong các năm 2020 và 2021, đặc biệt là năm 2020 - năm đầu tiên kinh tế thế giới và cả Việt Nam chịu tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19. Đối với BMI, đây cũng là năm gặp không ít khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của ban điều hành, BMI có sự đột phá vượt bậc. Bộ máy lãnh đạo được "cải tổ" khi ông Vũ Anh Tuấn nhận Quyết định số 1068/2020 - BM/HĐQT ngày 28/5/2020 của Chủ tịch HĐQT về việc bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc từ ngày 1/6/2020.
Trước tình hình dịch bệnh đầy khó khăn cùng những thay đổi về nhân sự nội bộ, Ban điều hành BMI đã nỗ lực, nhanh chóng đưa ra các quyết sách linh hoạt, đồng bộ vừa mở rộng thị trường, tăng doanh thu, vừa tăng cường quản trị rủi ro để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Thương hiệu cần được duy trì và phát triển
Theo ông Phạm Minh Tuân, năm 2021, BMI đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong kinh doanh, hoạt động tài chính đã đóng góp lớn vào lợi nhuận. Hoạt động kinh doanh của BMI đạt 306,2 tỷ đồng, tăng 31,34% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế của tổng công ty đạt 255 tỷ đồng, tăng 30,66% so với năm 2020. Điều này đã giúp các chỉ tiêu về khả năng sinh lời của BMI hoàn thành kế hoạch đề ra và cải thiện đáng kể so với năm trước. Hệ số lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần đạt 7,15%. Hệ số lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh/doanh thu thuần đạt 8,56%. ROA (lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản bình quân) đạt 3,66%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 11% (hoàn thành vượt mức kế hoạch tối thiểu 10% đề ra trong năm).
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng giám đốc BMI cho biết, trong năm 2021 BMI tiếp tục khẳng định tài chính vững mạnh và khả năng quản trị rủi ro tốt khi được tổ chức tín nhiệm quốc tế A.M Best tái xếp hạng năng lực tài chính (FSR) mức B++ (Tốt) và năng lực tổ chức phát hành mức "bbb" lần thứ 6 liên tiếp. Kết quả định hạng được A.M. Best công bố trên cơ sở đánh giá toàn diện các mặt hoạt động của BMI qua nhiều năm, bao gồm: Năng lực tài chính, kết quả kinh doanh, hiệu quả hoạt động và hệ thống quản trị rủi ro.
"Bên cạnh đó, BMI còn là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được trao tặng giải thưởng "Công ty bảo hiểm phi nhân thọ được khách hàng hài lòng nhất" do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và các hiệp hội chuyên ngành dịch vụ tài chính tổ chức thường niên trao tặng", ông Vũ Anh Tuấn chia sẻ.
Sau một thời gian làm việc tích cực, đại hội dành thời gian lớn để các cổ đông và lãnh đạo BMI thảo luận, trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan. Phần lớn các ý kiến xoay quanh chiến lược phát triển của BMI trong thời gian tới. Dựa trên kết quả kinh doanh ấn tượng của năm 2021, đại hội đã ra nghị quyết về việc trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% (1.500 đồng/cổ phiếu) với thời gian thực hiện chậm nhất là quý II/2022. Bên cạnh đó, thông qua đại hội BMI cũng trình cổ đông chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu lấy lại vị trí thứ 3 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, có sức cạnh tranh tốt với thị trường trong nước và khu vực.
Với sự nhất trí cao, ĐHĐCĐ đã thông qua tất cả các nội dung được trình tại đại hội với tỷ lệ hơn 99,75%. Trong đó ĐHĐCĐ cũng đã thông qua nghị quyết kế hoạch kinh doanh năm 2022 với tổng doanh thu ở mức 5.700 tỷ đồng, tăng trưởng 6,7% so với năm 2021, kỳ vọng lợi nhuận kế toán trước thuế 340 tỷ đồng tăng trưởng 11%. ROE tối thiểu đạt 10% và tỷ lệ chia cổ tức dự kiến tối thiểu là 15%.
Được thành lập năm 1994, trải qua gần 30 năm thành lập và phát triển, thương hiệu BMI ngày càng được các khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm, liên tiếp nhiều năm được tổ chức xếp hạng quốc tế A.M. Best đánh giá xếp hạng tài chính ở mức B++ (Tốt). BMI là một trong những doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt vai trò nòng cốt, đem lại hiệu quả kinh doanh cao, phù hợp với nhiều nội dung tại Thông báo số 57 ngày 28/2/2022 của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025". Trong đó có nội dung: "Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, bảo đảm kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước làm nòng cốt, ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo các chủ trương của Đảng; Cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; Duy trì, củng cố và phát triển các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu tốt; Làm rõ, tránh đồng nhất việc cơ cấu lại là thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp…"