1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bán USD cho tiệm vàng sẽ bị tịch thu

Từ tháng 11/2011, nếu bị phát hiện bán USD cho tiệm không có giấy phép thu đổi ngoại tệ, người vi phạm sẽ bị phạt 50-100 triệu đồng và tịch thu tang vật.

Bán USD cho tiệm vàng sẽ bị tịch thu - 1
Theo quy định mới, bán USD cho tiệm vàng sẽ bị phạt nặng và tịch thu tang vật (ảnh minh họa).
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho biết: Quy định đã có từ nhiều năm qua là người dân có quyền được sở hữu ngoại tệ nhưng chỉ được bán ngoại tệ tại những nơi được quy định như chi nhánh hoặc phòng giao dịch của ngân hàng (NH), hoặc các quầy thu đổi được NH Nhà nước cấp phép.

 

Trên địa bàn TP.HCM hiện có các đại lý thu đổi ngoại tệ đặt tại khách sạn 3 sao trở lên, siêu thị, văn phòng bán vé hàng không nước ngoài, sân bay, các trung tâm thương mại...

Tuy nhiên, có thực tế người nhận kiều hối thích bán cho tiệm vàng do giá mua của tiệm vàng thường cao hơn tại NH. Mua USD tại các tiệm vàng cũng dễ hơn vì không đòi hỏi giấy tờ.

 

Giao dịch ngoại tệ tại tiệm vàng người dân sẽ gặp rủi ro gì, thưa ông?

 

Hiện nay hầu hết tiệm vàng không được cấp phép mua bán ngoại tệ và đây sẽ là tâm điểm thanh tra, kiểm tra của cơ quan công an. Do vậy mua bán USD với tiệm vàng người dân sẽ gặp rủi ro rất lớn nếu bị cơ quan công an phát hiện vì mức chế tài với hành vi này hiện nay dao động từ 50-100 triệu đồng, ngoài ra còn bị tịch thu tang vật.

 

Theo tôi, người dân cần cân nhắc kỹ vì cái lợi của việc bán USD cho tiệm vàng tính ra rất nhỏ so với rủi ro phải chịu nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt. Ngoài ra mua bán với các tiệm vàng hoặc thị trường tự do, người dân còn đối mặt với rủi ro như tiền giả, nguồn gốc không hợp pháp...

 

Từ đầu năm 2011 đến nay Công an TP.HCM đã phát hiện 54 vụ mua bán ngoại tệ trái phép, trong đó đã khởi tố hình sự năm vụ về hành vi kinh doanh ngoại tệ trái phép. Hiện cơ quan công an đang chuẩn bị khởi tố thêm hai vụ nữa.

 

Nghị định 95 quy định hai mức phạt khác nhau cho hành vi mua bán, thanh toán ngoại tệ trái phép và hành vi kinh doanh ngoại tệ trái phép. Tuy nhiên về bản chất hai hành vi này có điểm khá giống nhau. Vậy đâu là căn cứ phân biệt?

 

Nghị định 95 sửa đổi bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính quy định mức phạt với mua bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định từ 50-100 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật. Trong khi đó, với trường hợp kinh doanh ngoại tệ trái phép áp dụng mức phạt cao hơn, từ 300-500 triệu đồng nhưng không tịch thu tang vật. Tuy nhiên nghị định lại chưa hướng dẫn cụ thể các trường hợp vi phạm nào thì xử phạt theo các mức phạt trên nên cũng gây khó khăn cho cơ quan công an khi xử lý.

 

Ngoài ra, cơ quan công an, quản lý thị trường cũng cho rằng nên cụ thể hóa các trường hợp vi phạm và có mức xử phạt phù hợp thay vì áp dụng một mức chung như quy định tại nghị định 95.

 

Lý do là mức xử phạt cao chỉ phù hợp với các đối tượng kinh doanh ngoại tệ chuyên nghiệp, còn với người dân, cần nhất là tăng cường tuyên truyền để thay đổi nhận thức. Việc răn đe là cần thiết nhưng phải có lý có tình. Thực tế có nhiều dịch vụ, hàng hóa mua bán bằng ngoại tệ nhưng giá trị rất thấp, nếu quy định mức xử phạt cao sẽ gây khó không chỉ cho người dân mà còn dẫn đến áp lực cho lực lượng đi kiểm tra. Chúng tôi sẽ tổng hợp các ý kiến này để kiến nghị lên NH Nhà nước.

 

Theo Ánh Hồng
Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm