Bán cổ phiếu cho KEB Hana Bank, BIDV thu về bao nhiêu tiền?

(Dân trí) - BIDV hoàn tất bán 603 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc), thu về hơn 20.200 tỷ đồng. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng tăng lên 40.220 tỷ đồng, là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo đã hoàn tất phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank với giá bán 33.640 đồng/cổ phiếu.

Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 5 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán (31/10).

Tổng số tiền thu về từ việc chào bán cổ phiếu là hơn 20.295 tỷ đồng. Sau khi trừ gần 27 tỷ đồng chi phí phát hành, BIDV thu ròng hơn 20.208 tỷ đồng.

Sau khi chào bán thành công, vốn điều lệ của ngân hàng đã tăng thêm 6.033 tỷ đồng, từ mức 34.187 tỷ đồng lên hơn 40.220 tỷ đồng, tương ứng với số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành là hơn 4,022 tỷ cổ phiếu.

Bán cổ phiếu cho KEB Hana Bank, BIDV thu về bao nhiêu tiền? - 1

BIDV hoàn tất bán 603 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc), thu về hơn 20.200 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống (ảnh minh họa).

Hiện KEB Hana Bank đã trở thành cổ đông lớn của BIDV sở hữu 15% cổ phần ngân hàng này. Sau khi phát hành cho đối tác này, vốn Nhà nước tại BIDV giảm còn trên 80% vốn điều lệ từ mức 95,28% tại thời điểm hiện nay.

Việc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bán 15% cổ phần cho đối tác Keb Hana Bank (Hàn Quốc) với giá khoảng 882 triệu USD khiến đây trở thành thương vụ đầu tư chiến lược M&A có giá trị cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Đưa tin về thương vụ mua lại 15% cổ phần tại BIDV của KEB Hana, tờ BusinessReport nhận xét, với việc mua lại 15% cổ phần tại BIDV, KEB Hana đang trở thành tập đoàn dẫn đầu làn sóng đầu tư tài chính vào Việt Nam.

Còn theo tờ Pulse (thuộc Maeil Business News Korea), BIDV quyết định thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với KEB Hana bởi tập đoàn này có thế mạnh nổi trội trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, tài chính số và quản trị rủi ro.

Trước đó, Ủy Ban chứng khoán Nhà nước lưu ý Ngân hàng BIDV phải đảm bảo việc phân phối cổ phiếu phù hợp với Điều 189 Luật Doanh nghiệp: "Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần công ty mẹ, các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo".

Mới đây BIDV đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc công bố thông tin chi trả cổ tức năm 2017, 2018.

Theo đó, căn cứ Nghị quyết số 1056 của Hội đồng quản trị BIDV ngày 25/10, BIDV sẽ trả cổ tức năm 2017 và 2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% mỗi năm.

Cụ thể, cổ tức năm 2017 là 7%/cổ phiếu, tức mỗi cổ phiếu sẽ được nhận 700 đồng. Cổ tức năm 2018 cũng là 7%/cổ phiếu, tương đương mỗi cổ phiếu nhận 700 đồng.

Liên quan tới thông tin sở hữu chéo, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết: Tính đến thời điểm 30/6/2019, Việt Nam đã cơ bản xóa xong "ma trận" sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Cụ thể, qua giám sát của Cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, đến 30/6, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đã khắc phục hết. Tình trạng này vào năm 2012 - thời điểm yêu cầu xử lý sở hữu chéo được đặt ra là 7 cặp.

Về sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp, theo báo cáo, đến tháng 6/2019 chỉ còn lại 1 ngân hàng thương mại cổ phần với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau (trong khi đó tại thời điểm tháng 6/2012 lên tới 56 cặp).

Trường hợp còn lại đó là Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu - Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát - Á Châu (tỷ lệ sở hữu của Ngân hàng Á Châu tại Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát - Á Châu là 2,86% và ngược lại là 0,046%).

Ngoài ra, tại báo cáo gửi tới Quốc hội trước kỳ họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án hoặc có văn bản giao hội đồng quản trị/hội đồng thành viên rà soát, hoàn thiện, chịu trách nhiệm phê duyệt phương án cơ cấu lại của hầu hết các tổ chức tín dụng. Một số tổ chức tín dụng chưa được phê duyệt phương án chủ yếu là các tổ chức tín dụng đang rà soát, bổ sung, hoàn thiện Phương án cơ cấu lại trên cơ sở kết luận thanh tra hoặc các tổ chức tín dụng yếu kém đang xử lý theo phương án đặc thù.

 An Hạ