Bạch Thái Bưởi - “cậu ký đường thủy”

Giáo trình lịch sử hiện đại Việt Nam thường coi sự xuất hiện của doanh nhân Bạch Thái Bưởi là "Sự trỗi dậy yếu ớt" của giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam trong thời kỳ thống trị của thực dân Pháp trước 1945. Kỳ thật ý nghĩa của hiện tượng Bạch Thái Bưởi lớn hơn nhiều.

Ông không chỉ là "sự trỗi dậy yếu ớt" của giai cấp tư sản Việt Nam mà còn là một người Việt Nam chân chính đã có những tư tưởng và thực nghiệp tiến bộ. Sự nghiệp của ông xứng đáng là tấm gương cho các nhà doanh nghiệp thời đại ngày nay noi theo.

 

Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Yên Phúc, nay là phường Phúc La, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây. Cha mất sớm, ông phải giúp đỡ mẹ sinh nhai bằng nghề bán hàng rong kiếm sống. Sau nhờ một người nhà giàu họ Bạch nhận ông làm con và cho ông đi học, ông mới đổi từ họ Đỗ sang họ Bạch. Một thời gian sau, khi đã có được một ít chữ nghĩa, ông thôi học đi làm thư ký cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Lúc đấy ông có tên là Ký Năm.

 

Năm 1894, năm ông 20 tuổi, ông chuyển sang làm cho một xưởng thuộc hãng thầu công chính. Chính tại xưởng công chính này, ông được tiếp xúc, làm quen và thu nhận nhiều hiểu biết về máy móc, về cách tổ chức, quản lý sản xuất theo kiểu công nghiệp, từ đó hình thành trong ông những ý tưởng sáng tạo mới.

 

Năm 1909, năm ông 35 tuổi, ông mạnh dạn bước vào lĩnh vực kinh doanh mới mẻ: ngành vận tải đường sông bằng cách thuê lại 3 chiếc tàu chở thư và chở hành khách của một chủ tàu người Pháp vừa hết hạn hợp đồng. Tại lĩnh vực kinh doanh vận tải đường sông này, ông gặp 2 đối thủ đáng gờm là các chủ tàu người Pháp và chủ tàu người hoa. Họ quyết chí đánh bại ông bằng trăm phương nghìn kế.

 

Trong thế " Trứng chọi đá" đó Bạch Thái Bưởi nghĩ đến thứ vũ khí mà cả 2 đối thủ trên đều không có đó là tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Bạch Thái Bưởi tin rằng sự nghiệp kinh doanh của mình diễn ra trên đất nước mình, phục vụ cho đồng bào mình, chắc sẽ được sự ủng hộ của người Việt Nam vốn không ưa gì sự áp chế của ngoại bang. Từ niềm tin đó, ông tìm ra những giải pháp hợp lý như đặt tên các anh hùng dân tộc cho các đội tàu của mình, tạo dựng các bến đỗ thuận tiện và giá vé hợp lý, cổ động đồng bào sử dụng phương tiện của ông để đi lại giao thương trên các miền sông nước.

 

Từ thứ vũ khí đó, ông dần dần mạnh lên và trường vốn đến mức thâu tóm được các Công ty vận tải của người Pháp và người Hoa. Năm 1915, ông mua lại xưởng sửa chữa và đóng tàu của A.R. Marly tại cửa cấm nay thuộc TP Hải Phòng. Từ xưởng sửa chữa đóng tàu này nhiều đội tàu của ông giao thương trên khắp miền sông nước và được giới doanh nghiệp đương thời tặng ông biệt hiệu "chúa sông Bắc Kỳ".

 

Trong vòng 10 năm, công ty Bạch Thái Bưởi đã có tới 30 chiếc tàu lớn nhỏ cùng nhiều xà lan với những đội tàu mang tên Phi Long, Phi Hổ, Hồng Bàng, Lạc Long, Trưng Nhị, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi... chạy hầu hết các tuyến sông miền bắc rồi vươn ra các vùng lãnh thổ và các nước liên bang như Hồng Kông, Nhật Bản, Philippin, Sinhgapore, Trung Quốc.

 

Kinh doanh vận tải đường sông và tiếp đó là kinh doanh hàng hải là lĩnh vực thành đạt nhất trong sự nghiệp của ông. Trong hoàn cảnh xã hội thực dân nửa phong kiến đầu thế kỷ XX, ông đã nổi lên như một con chim đầu đàn gánh vác sự nghiệp chấn hưng thực nghiệp dân tộc được mọi giới và các nước liên bang biết đến. Điều đó chứng tỏ ông là con người nhiều nghị lực và đầy quyết tâm vượt lên mọi trở ngại để đi xa và tiến mau hơn.

 

Nhà doanh nghiệp Bạch Thái Bưởi không hề tự mãn với thành tựu kinh doanh hàng hải của mình mà từ lợi nhuận của hàng hải, ông tiếp tục thử sức trên nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như khai thác than ở Đông Triều, mua bất động sản ở Đồ Sơn, làm nhà máy nước ở Thái Bình, mở quán cơm Tây ở Thanh Hoá.

 

Cùng với đóng góp về kinh tế. Đóng góp quan trọng thứ hai của Thái Bưởi thuộc về lĩnh vực văn hoá. Đó là việc ông bỏ vốn xây dựng nhà in lớn ở Hà Nội mang tên "Đông kinh ấn quán" và xuất bản tờ nhật báo khai hoá (số đầu tiên ra ngày 15/7/1921). Trong tôn chỉ của tờ Khai hoá  ông chỉ rõ:

 

- Một là giúp đồng bào ta tự khai hoá cho nhau, dạy bảo lẫn nhau, kiềm chế lẫn nhau, giữ cho cái cũ biến cải một cách điều hoà lẽ phải, dung hợp cái văn hoá cũ với văn minh mới, giúp vào sự truyền bá và sự tiến hoá của quốc văn cũng là mở mang con đường thực nghiệp"...

 

- Hai là giãi bày cùng chính phủ bảo hộ những sự yêu cầu thiết thực chính đáng  của quốc dân.

 

- Ba là diễn giải những ý kiến, những sự lợi ích của các công việc chính phủ đang trù tính.

 

Mục đích cuối cùng của phong trào thực nghiệp mà Bạch Thái Bưởi phát động và cổ suý qua tờ “Nhật báo khai hoá” cũng cùng mục đích với các nhà Duy Tân yêu nước trong phong trào Đông kinh nghĩa thục. Bạch Thái Bưởi không chỉ là người nêu tấm gương "làm giàu với hai bàn tay trắng" mà còn mong muốn lôi cuốn tất cả người Việt Nam vào con đường thực nghiệp làm giàu.

 

Ngày 22/7/1932 Bạch Thái Bưởi trút hơi thở cuối cùng tại thành phố Hải Phòng mảnh đất giúp ông trở thành "Chúa sông Bắc Kỳ" hưởng dương 58 tuổi.

 

Theo Doanh nhân đất Việt/ Vietnamnet