Bắc hay Nam, thị trường bất động sản nào hấp dẫn?

(Dân trí) - Thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội không chỉ cho cư dân sống ở thủ đô mà cho cả nước. Trong khi đó, giá BĐS ở phía Nam, đặc biệt là đất nền lại hấp dẫn hơn nhiều so với phía Bắc. Vậy đâu sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư?

Bắc hay Nam, thị trường bất động sản nào hấp dẫn? - 1
Đầu tư BĐS ở Bắc hay Nam cũng đều có cơ hội.
 

Theo GS Đặng Hùng Võ, thị trường BĐS Hà Nội khác hẳn thị trường BĐS ở các đô thị khác, kể cả TPHCM. Thị trường BĐS Hà Nội không phải chỉ dành cho các cư dân sống ở thủ đô mà cho cả nước.

 

Những người có khả năng kinh tế ở khắp nơi đều muốn có ít nhất một chỗ ở tại Hà Nội để cho con cái về đây học tập và gia đình đi lại thường xuyên để tận hưởng những dịch vụ công cộng có chất lượng cao như ở đây. Như vậy, cung khó có thể đáp ứng được cầu trong thời gian mươi năm tới.

 

Hơn nữa, Hà Nội mới mở rộng đang trong quá trình quy hoạch lại, mỗi quyết định về quy hoạch có ảnh hưởng trực tiếp tới độ “nóng” của thị trường BĐS ở những nơi được hưởng lợi thế của quy hoạch.

 

Bởi vậy, mặc dù trong hoàn cảnh thị trường “khát” vốn, BĐS Hà Nội vẫn có sức thu hút nhiều nhà đầu tư. Điều này được chứng minh từ việc luồng vốn góp từ phương thức “mua bán nhà trên giấy” luôn được duy trì như một giải pháp chủ yếu cho thị trường BĐS thủ đô.

 

Trong khi đó, đối với thị trường BĐS ở các đô thị phát triển khác như: TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai…. cung có biểu hiện đáp ứng được cầu, tình trạng đầu cơ ngày càng giảm, giá bất động sản nhà ở cũng trở nên hợp lý hơn.

 

Đáng chú ý, thị trường BĐS phía Nam đang có xu hướng dịch chuyển từ khu vực trung tâm đến các vùng phụ cận, các thành phố vệ tinh của TPHCM. Theo nhịp điệu đó, thị trường Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.

 

Thậm chí, Đồng Nai còn được đánh giá trong trung và dài hạn sẽ phát triển mạnh không chỉ do đẩy mạnh hạ tầng mà còn có thể coi là “sân sau” của TPHCM  khi xu thế giãn dân ở TPHCM diễn ra mạnh mẽ.

 

Tận dụng lợi thế này, không ít chủ đầu tư đã “nhắm” tới Đồng Nai như một mảnh đất tiềm năng cho phát triển BĐS, mà gần đây nhất là dự án Khu đô thị Dịch vụ Thương mại và Du lịch Suối Son (huyện Trảng Bom) của Tập đoàn Đất Xanh đã khởi công năm ngoái với diện tích gần 120ha, tổng giá trị đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng.

 

Theo một số chuyên gia, việc các thành phố vệ tinh của TPHCM có cơ hội phát triển là hoàn toàn có lý bởi các thị trường này có lợi thế mặt bằng giá thấp, tỉ suất lợi nhuận trên vốn cao, quy hoạch tốt.

 

Qua khảo sát, các dự án đất nền tại Bình Dương hiện nay giá dao động từ 2-3 triệu đồng/m2; Đồng Nai từ 2-5 triệu đồng/m2; Long An từ 1,7-3 triệu đồng/m2.

 

Đây là một mức giá thấp hơn nhiều so với giá BĐS tại Hà Nội và khu vực lân cận. Điển hình như tại Đông Anh (cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, giá đất nền dự án đang dao động ở mức 15-30 triệu đồng/m2).

 

Rõ ràng, dù Bắc hay Nam thì BĐS ở đâu cũng đều có cơ hội cho các nhà đầu tư, nhất là khi các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán… đang có biểu hiện nhiều yếu tố rủi ro cao .

 

Vấn đề là có thể biến cơ hội ấy thành hiện thực hay không. Điều  này thì không phải ai cũng giống nhau và cũng không phải dự án nào cũng đều có “mẫu số chung”.

 

Lan Hương