Ba kịch bản phát triển kinh tế 2007

Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2007. Trên cơ sở những kết quả năm 2006, CIEM đã xây dựng 3 kịch bản dự báo phát triển kinh tế Việt Nam 2007.

Những dự báo này có thể giúp các nhà quản lý có những tính toán và bước đi thận trọng hơn nhằm đạt được sự phát triển nhanh và bền vững như mong muốn.

Chỉ tiêu mà Quốc hội Việt Nam đề ra cho năm 2007 là GDP tăng 8,2-8,5%, tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu tăng 17,4%, tổng vốn đầu tư xã hội chiếm 40% GDP, bội chi ngân sách khoảng 5%.

Tuy nhiên, Viện đã dựa trên những yếu tố có thể tác động đến mục tiêu phát triển kinh tế Việt Nam cũng như những tính toán biến động của nền kinh tế thế giới về giá dầu, thiên tai hay dịch bệnh, những diễn biến nội tại của nền kinh tế và cả những điều chỉnh cần thiết trong từng trường hợp để xây dựng 3 kịch bản dự báo kinh tế vĩ mô cho năm 2007.

Kịch bản cơ bản dự báo GDP có thể tăng ở mức 8,5%, lạm phát ở mức 7,7%, xuất khẩu tăng 23,1%, thâm hụt thương mại ở mức 4,29%, thâm hụt ngân sách là 4,54%.

Cơ sở xây dựng mục tiêu cho kịch bản này là: các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như  Trung Quốc, ASEAN... vẫn giữ được mức tăng trưởng cao trung bình 5%. Giá dầu thế giới tuy có giảm so với 2006 nhưng vẫn đứng ở mức cao 56 USD.

Yếu tố giá dầu khá quan trọng, bởi vì nếu giá dầu thế giới vẫn ở mức cao và tăng hiệu quả thu ngân sách sẽ giúp cho đầu tư từ ngân sách cũng tăng lên. Nếu giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào tăng nhẹ ở mức 2%, giá xuất khẩu nông sản giảm 4%... đây được xem là những yếu tố kỳ vọng để tạo ra một điều kiện bình thường để đạt được các mục tiêu phát triển theo kịch bản cơ bản trên đây.

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện cũng như việc thực thi các cam kết WTO sẽ có tác động mạnh mẽ tới việc thu hút nguồn vốn và gia tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thêm 25% cũng sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để đạt được mục tiêu kỳ vọng trên đây.

Với một góc nhìn khác, các chuyên gia đã xây dựng một dự báo vĩ mô khác gọi là kịch bản số 1. Đây có thể xem là một kịch bản lạc quan khi tốc độ tăng trưởng GDP được đẩy lên mức 8,7%, lạm phát là 7,9%, xuất khẩu tăng 26,3% thâm hụt thương mại chỉ còn 3,54% và thâm hụt ngân sách là 4,79%.

Theo các chuyên gia thuộc CIEM thì cơ sở cho kịch bản này dựa trên tình hình kinh tế thuận lợi hơn, nhất là yếu tố đối tác thương mại lớn (giúp Việt Nam mở rộng thị trường và gia tăng xuất khẩu với tốc độ cao); bên cạnh đó, yếu tố giá dầu ổn định cũng có tác động không nhỏ.

Một yêu cầu đối với Việt Nam để thực hiện kịch bản này là môi trường đầu tư được cải cách ở mức hấp dẫn hơn nhiều đối với các nhà đầu tư và điều này dẫn đến điểm khác biệt lớn nhất so với kịch bản cơ bản là tốc độ giải ngân FDI tăng tới 35%.

Trong khi đó, kịch bản số 2 cũng được tính đến, kịch bản này là bi quan nhất so với hai kịch bản phát triển ở trên khi GDP chỉ tăng ở mức 8,1%, lạm phát ở mức 7,2%, tăng xuất khẩu chỉ dừng ở mức 16,4%, thâm hụt thương mại là 3,54% và thâm hụt ngân sách là 4,93%.

Kịch bản này xây dựng trên những dự đoán đầy lo ngại do những tác động từ biến động khó lường của nền kinh tế thế giới và chậm trễ trong việc đổi mới, cải cách môi trường đầu tư tại Việt Nam với việc vốn FDI giải ngân tăng ở mức thấp 20% so với 25% của kịch bản cơ bản và 35% của kịch bản số 1.

Dù ở kịch bản nào, năm 2007, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng với tốc độ hơn 8% và như vậy, các chuyên gia của CIEM tin rằng các chỉ tiêu kinh tế đặt ra đều có thể đạt được.

Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam bây giờ không chỉ là thực hiện phát triển kinh tế mà còn phải đẩy mạnh cải cách, để duy trì tăng trưởng cao và bền vững. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế thông qua việc hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường, xây dựng đồng bộ các loại thị trường, nhất là thị trường nhân tố sản xuất, phát triển mạnh các loại hình DN.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư, đổi mới các chính sách kinh tế vĩ mô, thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và mạnh mẽ... được xem là yêu cầu và là cơ sở cho những tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Theo Phước Hà
VietNamnet