1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ba "gia tộc ẩm thực" Hà Nội hồi hộp, ngóng chờ ngày dỡ bỏ lệnh cách ly

(Dân trí) - Ba gia tộc ẩm thực lớn ở Hà Nội như Phở Thìn Bờ Hồ, bún thang bà Ẩm, cà phê Giảng cùng chung tâm lý háo hức, chờ đợi ngày dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội .

Đếm ngược ngày dỡ lệnh cách ly 

Hà Nội là 1 trong 12 tỉnh thành tiếp tục thực hiện lệnh cách ly xã hội đến ngày 22/4, tùy tình hình thực tế. Tính ra, chỉ còn 1 ngày nữa là các tiệm sẽ có thông báo chính thức về việc cơ sở kinh doanh sẽ được mở cửa trở lại hay không. 

Anh Bùi Chí Thành, chủ cửa hàng phở Thìn Bờ Hồ kể, từ ngày có dịch Covid-19, quán anh tạm thời đóng cửa để thực hiện tốt chỉ thị số 16 về cách ly xã hội. Để duy trì hoạt động, ban đầu quán mở bán online nhưng sau đó thì dừng phục vụ để đảm bảo an toàn.

"Do quán có tệp khách lớn nên đồng nghĩa với việc lượng đặt hàng mang về tăng cao. Lo an toàn trong mùa dịch, phía Quận có trao đổi thêm và cửa hàng đồng ý với phương án sẽ đóng cửa cả mảng onine để giữ an toàn tốt nhất" - anh Thành chia sẻ.

Ba gia tộc ẩm thực Hà Nội hồi hộp, ngóng chờ ngày dỡ bỏ lệnh cách ly - 1

Thực hiện tiếp chỉ thị số 16, các quán hàng ở Hà Nội tiếp tục đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19

Anh cho biết, đây là lần đầu tiên, phở Thìn Bờ Hồ đóng cửa lâu đến thể, kể từ thời ông nội anh. Nên anh khá hồi hộp, ngóng trông từng ngày dỡ bỏ lệnh cách ly để quán trở lại, hoạt động bình thường.

"Ngày nào tôi cũng nhận được các cuộc gọi hỏi là đến bao giờ quán mở cửa trở lại, đến bao giờ quán được bán online. Tôi cũng sốt ruột vì nhân viên ở quán hơn 1 tháng nay không được đi làm, khách hàng cũng không được thưởng thức phở" - anh nói.

Bởi thế, vợ chồng anh lúc nào cũng lên giây cót tinh thần để chuẩn bị  cho ngày trở lại. Anh cho biết, hiện cửa hàng chỉ cần có thông báo trước 1 ngày là mọi thứ sẽ vận hành đâu vào đấy. Cả kể trường hợp xấu nhất là ngày 22/4 chưa được gỡ lệnh cách ly thì quán cũng có những phương án nhất định.

Ba gia tộc ẩm thực Hà Nội hồi hộp, ngóng chờ ngày dỡ bỏ lệnh cách ly - 2

Theo Quyết định của Thủ tướng, 12 tỉnh thành thuộc nhóm nguy cơ cao, trong đó có Hà Nội sẽ tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 22/4 hoặc 30/4, tùy tình hình cụ thể

Tương tự, anh Đoàn Văn Lai, chủ cửa hàng bún thang bà Ẩm cho biết, sau thời gian đóng cửa nghỉ dịch, quán hiện tại không có nguồn thu. Thế nên, việc dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội có ý nghĩa rất lớn đối với cửa hàng anh. Và là nút thắt tháo gỡ cho rất nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong thời Covid-19.

Anh cho biết, cửa hàng anh đang đối mặt với khủng hoảng kép từ dịch Covid-19 và Nghị định 100. Gần như 4 tháng nay, doanh thu của quán đều lao dốc trầm trọng khiến mọi kế hoạch, dự định phát triền của cửa hàng đều phải gác lại.

"Vấn đề khó khăn nhất của các quán hàng hiện nay là chưa biết ngày nào được mở cửa và hoạt động trở lại. Bởi khâu sắp xếp, điều chỉnh kế hoạch của cửa hàng khá tốn thời gian, không thể một sớm một chiều được" - anh nói.

"Sống chung" an toàn cùng Covid-19

Anh Lai cũng chia sẻ thêm, hy vọng của anh lúc này là dịch bệnh qua nhanh để cửa hàng hoạt động trở lại. Đó không phải là mong ước chỉ riêng anh mà còn là của hàng chục nhân viên ở tiệm. Bởi từ ngày có dịch, quán hàng đóng cửa, đồng nghĩa với việc người lao động bị mất việc làm. 

"Tôi rất hy vọng sẽ có một thông báo sớm về việc dỡ bỏ lệnh cách ly, cả kể là có phải gia hạn thêm để các quán hàng còn lên phương án chuẩn bị trước" - anh Lai trải lòng.

Đồng quan điểm, anh Bùi Chí Thành cho rằng, các cửa hàng hiện rất mong nhận được hướng dẫn sớm hơn về lệnh cách ly. Anh dự định, qua ngày 22/4 mà Hà Nội vẫn tiếp tục thực hiện chỉ thị số 16 thì anh muốn xin đề xuất cho cửa hàng bán online nếu được.

Không chỉ là chuẩn bị, nhiều quán hàng hiện nay đã lập kế hoạch dự phòng để tính đến các tình huống xấu nhất. Như quán cà phê trứng Giảng đã đưa ra giả thiết nếu Hà Nội tiếp tục cách ly xã hội đến hết tháng 5 thì quán sẽ phải dịch chuyển hướng kinh doanh sao cho phù hợp.

"Xưa nay, khách biết nhiều đến Giảng chủ yếu là thông qua món cà phê trứng nhưng từ khi có dịch, để phù hợp với tình hình, quán chuyển qua bán cà phê đen mang đi. Tuy ngày chỉ bán được 20 - 30 ly, không thấm vào đâu so với trước đây nhưng cũng là cơ hội để Giảng ngồi xuống và suy nghĩ thêm về định hướng phát triển" - chị Giang, quản lý cà phê Giảng cho biết.

Chị cho biết thêm, mọi thứ ở tiệm hiện đã xong xuôi, quán chỉ cần 2 giờ đồng hồ là có thể hoạt động bình thường. "Không chỉ là thu nhập mà nó còn là tình yêu và thói quen nữa. Nên tất cả mọi người ai cũng luôn trong tâm thế sẵn sàng trở lại" 

Và cả 3 "gia tộc ẩm thực" ở Hà Nội đều cho rằng, việc trở lại kinh doanh là cần thiết nhưng nếu phải tiếp tục cách ly xã hội thì các quán đều sẵn lòng, vì việc đảm bảo an toàn trong mùa dịch là điều tối thượng.

Hoàng Dung