ASEAN+3 nâng Quỹ Tiền tệ châu Á để đối phó với khủng hoảng
(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN cùng ba nước Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) đã đồng ý nâng quỹ trao đổi tiền tệ khu vực châu Á từ 80 tỷ USD lên thành 120 tỷ USD để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp nhấn mạnh quyết định tăng quỹ trao đổi tiền tệ khu vực châu Á trong "Sáng Kiến Chiang Mai" là nhằm “bảo đảm sự ổn định thị trường khu vực và tăng cường lòng tin trong các thị trường”.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, các nước trong khu vực nhận thấy sự cần thiết phải lập một quỹ hỗ trợ tiền tệ.
Vào năm 2000, trong cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Chiang Mai (Thái Lan), các nước trong khu vực đưa ra "Sáng Kiến Chiang Mai" với hai nội dung chính : Lập một mạng lưới tài chính cho phép các nước ASEAN hỗ trợ lẫn nhau và xây dựng hệ thống giúp đỡ song phương, giữa mỗi quốc gia ASEAN với ba nước Bắc Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Năm 2008, nhóm các nước Bắc Á và ASEAN đã ký "Sáng kiến Chiang Mai", cam kết trao đổi tiền tệ song phương và lập một quỹ đa phương trị giá 80 tỷ USD.
Do mức độ cuộc khủng hoảng hiện nay, trong cuộc họp lần này, các đại diện đã quyết định nâng quỹ này lên thành 120 tỷ USD. Tổng thư ký khối ASEAN, ông Surin Pitsuwan nói rằng quỹ này không nhằm thay thế hay cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mà đây chỉ là một giải pháp của các nước châu Á.
Cụ thể là một nước gặp khó khăn về phương tiện thanh toán trong ngắn hạn có thể xin hỗ trợ từ quỹ dự trữ ngoại tệ của các đối tác nhằm giảm bớt áp lực đối với đồng tiền quốc gia.Trong quỹ này, các nước ASEAN chỉ đóng góp 20%. Ba nước Bắc Á sẽ đóng góp 80% còn lại.
Quyết định trên của các Bộ trưởng Tài chính sẽ được đưa ra tại cuộc họp thượng đỉnh sắp tới của ASEAN (từ 27-2 đến 1/3 tại Hua Hin, Thái Lan).
Nhật Mai
Theo AP, AFP