Argentina vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 ngày càng làm trầm trọng thêm vấn đề suy giảm kinh tế, đẩy nhanh quá trình lạm phát và thiếu ngoại tệ mạnh, và cuối cùng đã đẩy Argentina vào lần vỡ nợ thứ 9.

Argentina vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử - 1
Với tình hình dịch Covid-19 diễn ra như hiện nay, quốc gia này đang phải đối mặt với lần vỡ nợ thứ 3 trong 20 năm qua và lần thứ 9 trong lịch sử. Ảnh: Getty

Theo Bộ trưởng Tài chính Argentina, nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latin chính thức vỡ nợ vào hôm 22/5, sau khi không thể trả 500 triệu USD tiền lãi cho các khoản nợ nước ngoài.

Giới quan sát đã dự báo về sự vỡ nợ này ngay sau khi Chính phủ Argentina ngày 21/5 cho biết sẽ kéo dài thời hạn đàm phán với các chủ nợ để tái cơ cấu khối nợ nước ngoài trị giá khoảng 65 tỷ USD của nước này đến ngày 2/6. Chính phủ Argentina và các chủ nợ trái phiếu nước ngoài được kỳ vọng tiếp tục đàm phán nhằm tránh được hậu quả tệ hơn nữa.

Argentina đã yêu cầu các chủ nợ chấp nhận gia hạn thêm ba năm, giảm 62% tiền lãi (tương đương tới gần 38 tỷ USD) và 5,4% về vốn (khoảng 3,6 tỷ USD). Tuy nhiên, đề xuất này đã bị phía chủ nợ từ chối.

“Không ai liên quan đến quá trình này được lợi nếu các bên không đạt được thỏa thuận và kiện cáo ra tòa”, Hans Humes – Giám đốc quỹ đầu tư Greylock Capital, Mỹ cho biết.

Ông cũng là một chủ nợ tham gia đàm phán với Argentina. Khoản nợ khổng lồ của Argentina được nắm giữ bởi hàng loạt công ty đầu tư, trong đó có những cái tên như BlackRock và Pharo Management.

Dù việc Argentina vỡ nợ không thể tạo ra biến động tài chính ở Mỹ Latin, Fitch Ratings vẫn dự báo toàn cầu sẽ chứng kiến số lượng kỷ lục quốc gia vỡ nợ năm nay, do đại dịch gây gián đoạn kinh tế.

Argentina vỡ nợ lần thứ 9 trong lịch sử - 2
Lần gần đây nhất Argentina tuyên bố không thể trả lãi vay nợ là vào năm 2001 khi sở hữu khoản trị giá nợ 100 tỷ USD. Ảnh: Getty Images

Hồi tháng 4, do chịu tác động từ Covid-19, Ecuador phải hoãn trả nợ đến tháng 8. Lebanon cũng đã vỡ nợ lần đầu tiên hồi tháng 3.

Argentina đang tìm cách huy động hỗ trợ cho đề xuất tái cấu trúc của họ, trong bối cảnh các chủ nợ cũng chịu sức ép giảm nợ cho các nước nghèo hơn khi kinh tế toàn cầu đi xuống.

Mặc dù vậy, Argentina cũng đã gặp khó khăn từ trước đó. Họ liên tục hứng chịu khủng hoảng kinh tế và chính trị, khiến tiền tệ mất giá, người dân đổ xô rút tiền khỏi ngân hàng và thị trường tài chính lao đao. Trong khi đó, chính phủ không sẵn sàng giảm chi tiêu công, mà thường in tiền hoặc vay đôla để giải quyết.

Lần này, do nhu cầu toàn cầu với hàng xuất khẩu Argentina giảm mạnh, vỡ nợ sẽ càng đẩy nước này đến bờ vực suy thoái. GDP Argentina đã giảm gần 12% trong tháng 3. Lạm phát nước này cũng nằm trong nhóm cao nhất thế giới, lên đến 46%.

Nếu không giải quyết nhanh, các nhà kinh tế học cho biết đồng peso Argentina sẽ càng chịu sức ép, do thiếu ngoại tệ mạnh. Tỷ giá chính thức tại Argentina hiện chỉ bằng một nửa tỷ giá tại các chợ đen.

Jimena Blanco – nhà kinh tế học tại Verisk Maplecroft nhận định: “Vỡ nợ sẽ khởi động đồng hồ đếm ngược cho một chu kỳ khủng hoảng tiếp theo. Triển vọng sẽ chuyển biến thành các sự tiêu cực trong nháy mắt”.

Hương Vũ

Theo WSJ