1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Arab Saudi ra quyết định quan trọng gây căng thẳng cho dầu Nga

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Arab Saudi, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, sẽ tăng sản lượng để giành lại thị phần. Các chuyên gia cho rằng điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào kinh tế Nga.

Theo Financial Times, Arab Saudi chuẩn bị từ bỏ mục tiêu giá dầu thô 100 USD/thùng khi nước này chuyển sang tăng sản lượng, cho thấy họ chấp nhận mức giá thấp hơn. 

Quyết định này được đưa ra bất chấp việc các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) trước đó đã cắt giảm sản lượng nhằm giữ giá ở mức cao. Giá dầu thô Brent đã giảm xuống dưới 70 USD/thùng vào đầu tháng này, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021.

Mặc dù vậy, các quan chức Arab Saudi có kế hoạch tăng sản lượng bắt đầu từ ngày 1/12. Điều này đánh dấu sự thay đổi so với trọng tâm chính sách trước đây của Arab Saudi là ổn định giá.

Kế hoạch tăng sản lượng giúp Arab Saudi, nước lãnh đạo OPEC, tăng lại thị phần, dù giá nhiên liệu có thể giảm. Động thái này đồng nghĩa, họ sắp từ bỏ mục tiêu kéo giá dầu lên 100 USD/thùng.

Việc Arab Saudi tăng cường sản xuất dầu, đặc biệt là khi giá dầu giảm, có khả năng gây tổn hại đến nền kinh tế Nga.

Các chuyên gia cho rằng động thái của Arab Saudi sẽ gây căng thẳng cho ngân sách của Nga khi xung đột Nga - Ukraine vẫn đang diễn ra. Nga phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ dầu mỏ để tài trợ cho nền kinh tế và các hoạt động quân sự.

"Dầu khí vẫn là một trong những nguồn thu ngân sách chính của Nga. Cho đến nay, bất chấp mức giá trần giá dầu do G7 áp đặt, Nga vẫn xoay xở để tăng các nguồn thu nhập đó. Giá dầu giảm đáng kể, sẽ gây thêm áp lực cho ngân sách của Nga", bà Orysia Lutsevych, chuyên gia tại viện nghiên cứu Chatham House, chia sẻ với Newsweek.

Arab Saudi ra quyết định quan trọng gây căng thẳng cho dầu Nga - 1

Tàu chở dầu gần thành phố cảng Nakhodka, Nga (Ảnh: Reuters).

Khi Arab Saudi tăng nguồn cung, giá dầu toàn cầu có thể giảm, gây áp lực lên Nga, đặc biệt là trong bối cảnh lệnh trừng phạt và cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn đang diễn ra. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường dầu mỏ có thể làm xói mòn thêm thị phần của Nga, thách thức khả năng phục hồi tài chính của nước này.

Arab Saudi là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. 2 năm qua, các nước OPEC+ hợp tác giảm sản lượng dầu để kéo giá lên. Tuy nhiên, năm nay giá lại giảm gần 6%.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là các nước khác tăng sản xuất. Trong khi đó, nhu cầu nhiên liệu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, lại yếu đi. Diễn biến này khiến OPEC+ hồi đầu tháng phải thông báo hoãn kế hoạch gia tăng sản xuất trong tháng 10 và 11.

OPEC và Arab Saudi luôn khẳng định họ không có mục tiêu cụ thể về giá dầu và các quyết định được đưa ra sẽ đều dựa trên diễn biến thị trường và mong muốn cân bằng cung cầu.

Dù vậy, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Arab Saudi cần có mức giá quanh 100 USD/thùng để cân bằng ngân sách. Thái tử Mohammed bin Salman đang tìm nguồn vốn cho các siêu dự án nhằm phát triển kinh tế nước này.

Quyết định này cho thấy sự thay đổi lớn về quan điểm của Arab Saudi. Họ hiện gánh phần lớn mức giảm sản lượng của OPEC+. Từ cuối năm 2022, quốc gia này tự nguyện giảm 2 triệu thùng/ngày. Hiện tại, OPEC+ cắt giảm tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương 5,7% nhu cầu toàn cầu.

Theo Financial Times, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm