Áp dụng CNTT trong dịch vụ vận tải: “Tiền đề” cho một khung pháp lý rõ ràng

(Dân trí) - Một số nước trên thế giới và trong khu vực hiện đã và đang xây dựng khung pháp lý cho hoạt động kết nối dịch vụ vận tải trên nền tảng ứng dụng CNTT. Việt Nam cũng đã có những bước đầu trong việc quản lý và kiểm soát hoạt động mới mẻ này.

“Mô hình thí điểm”

Tháng 8/2015, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xin Chính phủ thí điểm thực hiện Đề án “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” của công ty GrabTaxi Việt Nam.

Theo kiến nghị của Bộ GTVT, do Nghị định 86/2014/NĐ-CP về dịch vụ vận tải, chưa có qui định rõ về hợp đồng dịch vụ vận tải được thể hiện dưới hình thức thông điệp dữ liệu điện tử, nên Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ cho phép GrabTaxi được sử dụng thông điệp điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản theo qui định của Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

Nếu được Chính phủ phê duyệt, GrabTaxi sẽ trở thành công ty đầu tiên được miễn trừ áp dụng một qui định của Nghị định Chính phủ về quản lý hoạt động vận tải hiện đang gây nhiều tranh cãi trong ngành dịch vụ này. Như vậy, nếu được Chính phủ cho phép, đây thể coi là trường hợp “tiền đề” trong việc quản lý và kiểm soát hoạt động kết nối dịch vụ vận tải trên nền tảng ứng dụng CNTT.

Nhiều hãng taxi cũng đang cân nhắc việc phát triển ứng dụng gọi xe
Nhiều hãng taxi cũng đang cân nhắc việc phát triển ứng dụng gọi xe

Nở rộ các ứng dụng phần mềm gọi xe

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các ứng dụng công nghệ đang được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Một trong những ứng dụng công nghệ gây sự chú ý và quan điểm trái ngược nhau gần đây tại nhiều nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam là ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối giữa hành khách và các đối tượng cung cấp dịch vụ vận tải.

Ứng dụng này hiện đang được các công ty trong và ngoài nước áp dụng trong hoạt động quản lý và điều hành dịch vụ vận tải. Ngoài hai công ty nước ngoài là Uber và GrabTaxi, có khá nhiều các công ty vận tải trong nước cũng đã bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý và điều phối dịch vụ của mình như: LiveTaxi, TaxiNavi, Oh!Taxi, VietTaxi, Taxi 63 Tỉnh thành Việt Nam, Taxi Việt, Taxi Now VN ...

Tháng 7 vừa qua, ứng dụng iMove đã được nghiên cứu và xây dựng bởi một nhóm Việt kiều và người Việt, với tham vọng đưa ứng dụng này thâm nhập thị trường Mỹ, Pháp và Trung Quốc vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, các hãng taxi lớn trong nước cũng đã có những bước tiến trong việc áp dụng CNTT trong hoạt động điều hành vận tải để tăng tính cạnh tranh và bảo vệ thị phần của họ.

Trong tháng 7, Vinasun đã chính thức ra mắt ứng dụng Vinasun App tại Đà Nẵng, sau đó sẽ tiếp tục thử nghiệm ở các thị trường Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, và dự kiến chính thức phục vụ hành khách tại TPHCM từ cuối quý IV/2015. Chậm hơn một chút, đối thủ “truyền thống” của Vinasun là Mai Linh cũng đã đang tiến hành thử nghiệm ứng dụng Open99 của mình từ cuối tháng 8 dù chưa có nhiều xe hoạt động.

Tương tự các hãng taxi lớn, các công ty kinh doanh vận tải nhỏ khác, thậm chí cả các hãng taxi ở các tỉnh, cũng đang cân nhắc việc phát triển ứng dụng gọi xe nhằm bảo vệ hoạt động kinh doanh trước nguy cơ sụt giảm thị phần nhanh chóng. Đầu tháng 9, đại diện khu vực Đông Bắc bộ của một hãng taxi đã tiết lộ doanh nghiệp đang lắp đặt và thí điểm ứng dụng gọi xe cho hơn 3000 xe toàn miền Bắc, với mục đích cạnh tranh với dịch vụ Uber và GrabTaxi hiện nay. Sự ứng dụng ồ ạt các ứng dụng CNTT của các doanh nghiệp trên cho thấy nhu cầu và xu hướng tất yếu của thị trường dịch vụ vận tải hành khách hiện nay.

Cần một khung pháp lý rõ ràng

Tuy nhiên, các hãng vận tải trong nước nêu trên cũng như các công ty nước ngoài như GrabTaxi hay Uber đều đang phải đối diện với một thách thức là khung pháp lý hiện hành.

Cụ thể là Luật giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn về quản lý hoạt động vận tải chưa có qui định cụ thể đối với việc áp dụng CNTT trong hoạt động kết nối và quản lý dịch vụ vận tải. Nghị định 86/2-14/ND-CP với qui định về hợp đồng dịch vụ vận tải phải được thể hiện bằng văn bản chỉ phù hợp với các dịch vụ vận tải truyền thống và đang bị coi là “những rào cản” cho việc ứng dụng CNTT trong hoạt động vận tải.

“Ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý dịch vụ vận tải là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu kỹ về vấn đề này để không ảnh hưởng đến quyền lợi của các hãng taxi truyền thống” - ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội bày tỏ quan điểm về đề xuất thí điểm đề án của GrabTaxi.

“Việc thí điểm ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý dịch vụ vận tải nên được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp để đảm bảo công bằng, đồng thời cần có một quy trình quản lý công khai để quản lý các hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc xây dựng một khung khổ pháp lý thuyết phục để đảm bảo quyền lợi cho cả các hãng taxi truyền thống và công nghệ kết nối là cần thiết” - ông Liên khẳng định.

Hà Anh

 

Áp dụng CNTT trong dịch vụ vận tải: “Tiền đề” cho một khung pháp lý rõ ràng - 2