Anh nông dân sáng chế ra 200 loại máy nông nghiệp, thu 3,5 tỷ đồng/năm

Bằng việc sáng chế ra những loại máy móc ưu việt phục vụ sản xuất nông nghiệp, anh nông dân Trần Đình Lai (SN 1975, ngụ xã Quảng An, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế) không chỉ giúp nhiều nhà nông giải phóng sức lao động mà còn thu về tiền tỷ.

Sáng tạo vì nhà nông

Xưởng cơ khí khang trang của anh Trần Đình Lai nằm ở mặt tiền tuyến tỉnh lộ chạy qua thôn An Xuân, xã Quảng An. Trong không gian rộn ràng tiếng búa và tiếng máy nổ, hàng chục người thợ miệt mài làm việc. Anh Lai vừa hướng dẫn cho thợ vừa tiếp chuyện những vị khách đến đặt hàng.

Anh nông dân sáng chế ra 200 loại máy nông nghiệp, thu 3,5 tỷ đồng/năm - 1

Bằng việc sáng chế ra những loại máy móc ưu việt, anh Trần Đình Lai không chỉ tạo nhiều việc làm, giúp bà con nông dân các địa phương vơi đi nỗi nhọc nhằn mà còn thu về tiền tỷ. Ảnh: NVCC.

Tôi thành công như ngày hôm nay chính là vì có những ý tưởng sáng tạo mà mục đích ban đầu hướng đến là phục vụ cho người dân quê. Tôi là nông dân, sáng chế vì nông dân và làm giàu để giúp được nông dân là niềm hạnh phúc”.

Anh Trần Đình Lai

Sinh ra trong gia đình nông dân đông con, tuổi thơ của anh Lai là chuỗi ngày cực nhọc. Khi còn nhỏ anh đã theo bố mẹ ra đồng, đã quen lội trên những thửa ruộng trũng bùn ngập gần đến đầu gối. “Hình ảnh người dân quê hì hục nhiều ngày liền vẫn không sửa được máy bơm nước để tiêu úng cho ruộng lúa đang bị ngập sâu, kêu thợ không có... làm tôi ám ảnh mãi”- anh Lai kể.

Chính vì sự trăn trở đó, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, dù đủ sức thi đậu một trường đại học, nhưng anh chọn thi vào một trường trung cấp cơ khí ở TP.Huế. Sau 2 năm học trường nghề rồi tốt nghiệp loại ưu, anh được nhận vào làm tại một xưởng cơ khí ở trung tâm thành phố với thu nhập ổn định.

Rồi nỗi trăn trở trước những vất vả của người nông dân ở quê nhà đã khiến anh quyết định về quê lập nghiệp sau 4 năm làm ở thành phố. Tại nơi chôn nhau cắt rốn, sau một thời gian chạy vạy tìm vốn liếng, anh mở được xưởng sửa chữa máy móc. Thời điểm đó, ở xã Quảng An cũng như các địa phương của huyện Quảng Điền phong trào nuôi tôm sú phát triển rất mạnh. Nhu cầu sửa chữa các loại máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhất là phát triển nuôi tôm tăng cao nên xưởng của anh ăn nên làm ra, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Làm ăn thuận lợi được ít năm, cơ sở của anh rơi vào cảnh khó khăn khi mô hình nuôi tôm ở Quảng Điền liên tiếp thất bát vì dịch bệnh, nông dân nợ nần chồng chất. Trước hoàn cảnh đó, anh Lai nhận thấy phải thay đổi hướng đi mới có thể phát triển.

Nghĩ là làm, anh chuyển từ việc sửa chữa sang sáng chế, sản xuất các loại máy móc phục vụ trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ thực tế, vỏ trấu- loại chất đốt truyền thống - bị người nông dân đổ bỏ bừa bãi gây ô nhiêm môi trường do việc sử dụng bếp gas ngày càng phổ biến, anh nghĩ cần phải biến vỏ trấu thành củi cung cấp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Sau nhiều lần vận hành thử nhưng thất bại, đến đầu năm 2008, chiếc máy ép củi trấu của anh mới hoàn thiện và cho ra sản phẩm chất lượng tốt. Đây cũng là năm anh đứng ra thành lập Doanh nghiệp tư nhân Bạch Lai để phát triển sản xuất kinh doanh.

Từ thành công trong việc sản xuất máy ép củi trấu, anh tiếp tục nghiên cứu sáng chế ra hàng loạt loại máy móc khác. Các loại máy sấy mùn cưa, máy cắt nước đá liên hoàn, máy sấy thực phẩm đa năng, máy hút thổi liệu, máy thái rau, máy ép viên thức ăn chăn nuôi, máy sấy lúa đa năng...do anh sáng chế đều ưu việt, tiện lợi, phù hợp với hoàn cảnh nhà nông hơn là máy nhập ngoại...

Đưa máy móc xuất ngoại

Thấy được lợi ích của việc sử dụng củi trấu làm chất đốt, khách hàng từ trong Nam đến ngoài Bắc từ chỗ sử dụng sản phẩm củi trấu của anh Lai dần chuyển sang đặt mua máy ép củi trấu do anh sản xuất. Từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi năm cơ sở của anh bán ra thị trường gần 50 máy ép củi trấu. Loại máy này không chỉ được tiêu thụ ở hầu khắp các tỉnh thành trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, như Lào và Campuchia.


Anh Trần Đình Lai đã sáng chế ra cả chục loại máy nông cụ hữu dụng, tiện lợi từ chính cơ sở cơ khí do mình gây dựng nên.

Anh Trần Đình Lai đã sáng chế ra cả chục loại máy nông cụ hữu dụng, tiện lợi từ chính cơ sở cơ khí do mình gây dựng nên.

Tương tự máy ép củi trấu, các loại máy khác do anh sáng chế cũng được thị trường ưa chuộng do những tính năng ưu việt. Ngoài việc cho năng suất sản xuất cao và có thông số kỹ thuật ổn định, các loại máy của anh còn không tiêu tốn điện năng, tự động hóa các quy trình sản xuất. Như máy sấy lúa đa năng với công suất cao (5-8 tấn/mẻ) có cơ chế sấy đảo chiều, ít tốn nhiên liệu, chỉ cần một người vận hành. Sản phẩm này đã được chuyển giao công nghệ cho nhiều tỉnh, thành trong nước và cũng đã xuất sang các nước Lào, Campuchia.

“Thấy tôi sản xuất và tiêu thụ tốt các loại máy này, nhiều cơ sở cũng cho ra đời các sản phẩm nhái với mẫu mã tương tự. Nhưng rồi họ không cạnh tranh được với máy của tôi vì tính năng máy họ sản xuất thua xa những cái máy do tôi làm ra”- anh Lai kể.

Hiện tại, mỗi năm cơ sở của anh Lai sản xuất và bán ra thị trường trên 200 máy móc các loại, đưa lại doanh thu hàng năm khoảng 3,5 tỷ đồng và nguồn lợi nhuận lớn. Cơ sở của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 22 công nhân, chưa kể những lao động làm theo mùa vụ. Thu nhập bình quân của người lao động tại cơ sở của anh Lai mỗi tháng đạt gần 6 triệu đồng/người. Anh cũng thường xuyên đi đầu trong phong trào từ thiện xã hội ở địa phương, giúp những hoàn cảnh khó khăn vươn lên.

Với những sáng tạo trong sản xuất, anh Lai đã nhận được nhiều giải thưởng có giá trị. Trong đó, đáng kể nhất là Giải thưởng Lương Đình Của năm 2011 cho nhà nông trẻ xuất sắc, bằng khen và kỷ niệm chương của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về đề tài giải pháp ý tưởng sáng tạo tiêu biểu trong năm 2011; giấy chứng nhận bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung- Tây Nguyên 2016; danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017…

Theo Trần Hoè
Dân Việt