Quảng Nam:

Ảnh hưởng của dịch Covid19, sản xuất công nghiệp giảm mạnh

(Dân trí) - Ngày 7/5, tỉnh Quảng Nam đã phát thông cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020. Trong đó, hầu hết các chỉ số đều giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Báo cáo do ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam kí cho biết, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 4/2020 giảm 13,5% so với tháng trước và giảm 27% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất giảm 25,4% so với cùng kỳ và giảm ở hầu hết các nhóm ngành; trong đó ngành công nghiệp chế biến - chế tạo giảm 25,3%; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 32,7% và ngành cung cấp nước, xử lý rác thải giảm 18,5%.

Ảnh hưởng của dịch Covid19, sản xuất công nghiệp giảm mạnh - 1

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất ô tô Bus tại Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải phải tạm dừng. (Ảnh tư liệu)

Chỉ số sản xuất giảm do các doanh nghiệp thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ nên phải hoạt động cầm chừng, hiệu suất công việc không cao.

Nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm một phần hoặc giãn lao động làm việc các ngày trong tháng, do đó chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp giảm.

Cụ thể, ngành khai khoáng giảm 23,6%; ngành may mặc giảm 10,2%; máy móc, thiết bị giảm 27,5%; sản xuất xe có động cơ giảm 27,6%. Cộng dồn đến cuối tháng 4/2020, chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 3% so với cùng kỳ.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dệt may; báo cáo nêu rõ: do thiếu hụt nguồn nguyên liệu và bị hủy đơn hàng nên ngành này gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải thực hiện phương án giãn giờ, giãn ca, giảm số ngày làm trong tuần, chuyển sang may khẩu trang để duy trì hoạt động sản xuất và để duy trì lực lượng lao động tại doanh nghiệp.

Cụ thể, có 4 doanh nghiệp tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc cho công nhân tạm thời nghỉ việc hoặc giảm số ngày làm; 1 doanh nghiệp tại KCN Đông Quế Sơn, 3 doanh nghiệp tại KCN Tam Thăng cho công nhân nghỉ luân phiên; 1 doanh nghiệp tại KCN Bắc Chu Lai tạm đóng cửa; 1 doanh nghiệp tại KCN Tam Hiệp cho 50% công nghỉ luân phiên; có 9 doanh nghiệp tại 8 KCN trên địa bàn tỉnh cho công nhân tạm nghỉ hoặc làm việc luân phiên để duy trì hoạt động sản xuất.

Riêng tại Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải (gồm 32 công ty con với 8.237 lao động) có Công ty ô tô Bus với 800 công nhân tạm dừng hoạt động, toàn bộ 800 công nhân được điều chuyển bố trí làm các công việc khác tại 31 công ty còn lại; một số công ty con khác phải cho công nhân nghỉ việc luân phiên.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc nhập cảnh, chuyển giao công nghệ do các chuyên gia, lao động nước ngoài, nhà đầu tư không thể nhập cảnh vào Việt Nam để hướng dẫn lắp ráp, điều hành hệ thống máy móc, chuyển giao công nghệ, thực hiện các thủ tục để triển khai dự án sau khi cấp phép.

“Đa số các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, qua khảo sát có khoảng 61,2% doanh nghiệp đánh giá bị ảnh hưởng doanh thu từ 10% trở lên. Nếu thời gian tới, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, dự kiến 77,5% doanh nghiệp giảm doanh thu ít nhất từ 10% trở lên so với năm 2019”, báo cáo của Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nêu rõ.

Về thương mại, dịch vụ. Sức mua một số mặt hàng trên địa bàn tỉnh giảm nên doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 4/2020 chỉ đạt 1,9 nghìn tỷ đồng, giảm 30,6% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hóa giáo dục giảm 62,4%; hàng may mặc giảm 51,2%; phương tiện đi lại giảm 34,3%; xăng dầu giảm gần 22%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 26,5%; hàng hóa khác giảm 25,4%; riêng nhóm hàng lương thực, thực phẩm giảm nhẹ (6% so với tháng trước).

Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 10,9 nghìn tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ; đa số các nhóm hàng đều giảm, trong đó giảm nhiều nhất là nhóm ô tô con dưới 9 chỗ ngồi (giảm 34%). Riêng nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 17,5%, chủ yếu tăng nhóm hàng y tế.

Doanh thu dịch vụ tháng 4 khoảng 258 tỷ đồng, giảm 19,8% so với tháng trước và giảm 39,8% so với cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình và phục vụ cá nhân giảm 51%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí giảm 42%; dịch vụ giáo dục giảm 28%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ giảm 21%. Tính chung 4 tháng, doanh thu dịch vụ gần 1.397 tỷ đồng, giảm 16,4% so với cùng kỳ và giảm ở hầu hết các nhóm dịch vụ (trên 10%), trừ nhóm dịch vụ y tế tăng 10,5%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 2,07% so với tháng trước; chủ yếu giảm ở 3 nhóm: hàng ăn uống, dịch vụ; nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng và nhóm giao thông[1]. CPI bình quân 4 tháng tăng 5,3% so với cùng kỳ.

Công Bính