1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ai cứu được thị trường chứng khoán?

Nếu các tổ chức đầu tư lớn vẫn chưa thật sự vào cuộc thì hy vọng về một sự thay chiều đổi hướng trên thị trường chứng khoán là rất khó.

Phiên giao dịch ngày 14/1, chỉ số VN-Index mất 19,77 điểm (đạt 841 điểm), tiếp tục quá trình xuống giá trên thị trường. Trong quá khứ, mỗi khi thị trường tụt giảm sâu các nhà đầu tư (NĐT) thường hy vọng về một giải pháp nào đó của các nhà quản lý, như: tăng tỉ lệ room, nới lỏng các hình thức cho vay đầu tư chứng khoán... để cứu thị trường, giảm thiểu sự thua lỗ.

Nhưng trên thực tế, những biện pháp của các nhà quản lý chỉ mang tính hỗ trợ chứ chưa phải là liều thuốc thực sự để có thể giúp thị trường phục hồi.

Thị trường rơi càng sâu, các mức hỗ trợ càng yếu, do các NĐT cá nhân bán ra và rút khỏi thị trường. Những cuộc đấu giá biểu hiện bằng những phiên đi ngang tại các mức ngưỡng này, nếu chủ yếu là của các NĐT cá nhân bao giờ cũng kết thúc bằng những phiên tiếp tục đi xuống.

Kinh nghiệm trong quá khứ, thị trường có thể dừng lại và phục hồi khi có sự tham gia của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng rớt xuống mức 139 điểm. Vào thời điểm đó, nếu không có sự tham gia mua vào của một số quỹ đầu tư thì có lẽ phải đóng cửa thị trường vì sự tháo chạy của các NĐT cá nhân.

Cũng thời điểm đó, rất nhiều NĐT hy vọng về việc thành lập một quỹ “bình ổn” của Bộ Tài chính để cứu thị trường, nhưng tất cả chỉ trên giấy tờ, vì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ là nhà quản lý chứ không phải là nhà đầu tư.

Thật sự sức cầu hiện nay trên thị trường không phải là yếu. Thời điểm trước đây, giá trị giao dịch trung bình hơn 1.000 tỉ đồng/ngày là bình thường. Tiền của các NĐT cá nhân bên ngoài vẫn đang “ùn tắc” chưa biết đầu tư vào đâu.

Chỉ cần một cú hích mạnh, đồng loạt mua vào của các tổ chức đầu tư là có thể phục hồi lại thị trường.

Nếu tính theo giá trị thực của cổ phiếu và các chỉ số cơ bản, thì ngưỡng 800 - 900 điểm có thể coi là “vùng giá hợp lý” của khá nhiều cổ phiếu trên thị trường. Hơn một năm qua, khi chỉ số Vn-Index rơi vào mức ngưỡng này, các tổ chức đầu tư bắt đầu mua vào, tạo vùng tích lũy để bắt đầu một xu thế mới - xu thế tăng giá, nhưng hiện nay, Vn-Index đã rơi dưới mức 900 điểm, vẫn chưa thấy có sự mua vào của các tổ chức đầu tư lớn.

Họ đang chờ những đợt IPO sắp tới của các ngân hàng, tổng công ty Nhà nước, trong thời điểm thị trường xuống giá hiện nay, đó là những khoản đầu tư hấp dẫn hơn đối với cổ phiếu trên thị trường chính thức.

Theo tổng giám đốc của một quỹ đầu tư nước ngoài, do sự chi phối của quy luật cung cầu, việc lên xuống trên thị trường là chuyện bình thường. Chỉ số Vn-Index rớt đến một mức nào đó nhất định các tổ chức sẽ mua vào. Việc tụt giảm nhanh chóng của chỉ số Vn-Index hiện nay làm cho các NĐT cá nhân tháo chạy nhưng đang là cơ hội lớn cho các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp.

Theo Mai Ly
Báo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm