Agribank kỳ vọng góp phần thúc đẩy kinh tế số Việt Nam
(Dân trí) - Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì cùng Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Nam Định tổ chức "Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ I". Agribank đồng hành cùng diễn đàn.
Với chủ đề "Mang nền tảng số đến hộ gia đình", sự kiện "Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ I" hướng tới mục tiêu trở thành diễn đàn thường niên của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các chuyên gia đầu ngành tập trung trao đổi về phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam theo Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Phát biểu tại diễn đàn, đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho biết tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP của Việt Nam ngày càng tăng, tỷ trọng kinh tế số tăng từ 11,91% năm 2021 lên mức 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%.
Báo cáo thường niên kinh tế số e-Conomy SEA do Google và Temasek nghiên cứu, công bố tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2022 đạt 28%, dẫn đầu trong các quốc gia Đông Nam Á.
Năm 2022, có hơn 1.400 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với năm 2021. Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục được phát triển.
Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho rằng điểm sáng trong phát triển xã hội số tại các địa phương trong 6 tháng đầu năm 2023, một số tỉnh đã có số lượng tài khoản thanh toán được mở tại các ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đã vượt mức dân số bình quân của tỉnh, có thể kể đến như Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Long An, Kiên Giang.
Đóng góp vào điểm sáng này, với hơn 20 triệu khách hàng sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán, hơn 15 triệu khách hàng dùng dịch vụ điện tử, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) là một trong những ngân hàng tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên cơ sở hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ ngân hàng số đột phá.
Từ năm 2022, Agribank triển khai dịch vụ ngân hàng số (Agribank Digital) tích hợp các ứng dụng công nghệ hiện đại. Khách hàng có thể đăng ký và sử dụng trực tuyến các dịch vụ ngân hàng trên cơ sở định danh, xác thực bằng công nghệ sinh trắc học gồm cả khuôn mặt và vân tay.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, Agribank cho biết đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt), thanh toán qua mã QR, giải pháp chấp nhận thanh toán linh hoạt trên thiết bị di động... mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng.
Agribank cũng hợp tác với doanh nghiệp Fintech để triển khai ứng dụng thanh toán di động, ví điện tử, cổng thanh toán,… qua đó cho phép khách hàng dễ dàng thực hiện giao dịch thanh toán hàng ngày (trả tiền taxi, điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí, chuyển tiền,..) từ điện thoại, máy tính có kết nối Intetnet mà không cần đến phòng giao dịch ngân hàng, tạo thuận lợi cho khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ tài chính.
Để có được kết quả trên, Agribank xác định việc chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức, từ đó dần đưa chuyển đổi số hiện diện trong quản trị điều hành và mọi hoạt động của Agribank thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Từ đó từng bước xây dựng môi trường làm việc trực tuyến, chú trọng phát triển cung cấp sản phẩm dịch vụ trực tuyến phục vụ khách hàng, đối tác, góp phần tạo điều kiện, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch thanh toán.
Thông qua diễn đàn, Agribank không chỉ giới thiệu mà còn mang đến nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng, đóng góp vào quá trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.
Đồng thời, Agribank cùng các đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực cùng quy tụ về diễn đàn nhằm đóng góp và chia sẻ đường hướng, chính sách, kinh nghiệm thực tiễn và các khuyến nghị để thúc đẩy tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, sớm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) hiện là ngân hàng thương mại duy nhất do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, tổng tài sản đạt trên 1,89 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,71 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,44 triệu tỷ đồng, trong đó luôn dành 70% dư nợ đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn - nông dân.