ADB: Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam gần 17 tỷ USD
(Dân trí) - Con số dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng thêm 3,5 tỷ USD so với giữa năm 2011, đạt khả năng thanh toán tương đương gần 2 tháng nhập khẩu.
Theo thông tin từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong buổi họp báo công bố Báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á 2012” ngày hôm nay (11/4), thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam tại thời điểm quý I năm nay vào khoảng 17 tỷ USD, cao hơn 3,5 tỷ USD so con số được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra hồi giữa năm ngoái.
Như vậy, khả năng thanh toán mới chỉ tương đương với gần 2 tháng nhập khẩu, đây vẫn là mức thấp so yêu cầu cần đạt được là 2,5 tháng nhập khẩu, theo khuyến nghị của WB.
Trước đó, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 tổ chức hôm 6/3, trao đổi với Dân trí, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng nhà nước (NHNN) hiện đang mua vào một lượng ngoại tệ rất lớn.
Hoạt động này nhằm hai mục đích:một là cân đối thị trường hai là giúp cho nâng cao dự trữ nhà nước hay là cung ứng vốn cho thị trường.
So với đầu năm 2011, dự trữ ngoại hối cuối năm vừa rồi đã tăng xấp xỉ 50%. Và chỉ trong hai tháng đầu năm nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng 20% nữa so cuối năm 2011.
Mục tiêu của Việt Nam trong năm 2012 này sẽ tiếp tục tăng cường dự trữ ngoại hối. Và theo như phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng hồi tháng 6/2011, thì Chính phủ sẽ tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm nay đạt mức tương đương 4 tháng nhập khẩu.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam qua từng thời kỳ (Nguồn NHNN, ước tính quý IV/2011 và quý I/2012 của ADB).
Báo cáo của ADB cũng lưu ý, mức tăng 16% đối với các khoản vay bằng USD trong năm 2011 đã làm tăng rủi ro ngoại hối đối với các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường giám sát đối với việc cho vay bằng ngoại tệ.
Và kể từ tháng 5 tới, NHNN sẽ hạn chế việc cho vay bằng ngoại tệ chỉ cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu đồng thời giảm các mức hạn chế đối với lượng giao dịch ngoại hối của các ngân hàng.
Triển vọng tăng trưởng GDP dưới 6%
Theo nhìn nhận của ADB, chính sách thắt chặt đã được áp dụng để kiềm lạm phát cao trong năm 2011 nhưng đồng thời cũng làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Để hỗ trợ cho tăng trưởng, các cơ quan điều hành đã nới lỏng phần nào chính sách tiền tệ vào đầu năm 2012 và đưa ra tín hiệu có thể nới lỏng hơn nữa nếu lạm phát có xu hướng giảm. Tuy nhiên, lạm phát vẫn ở mức hai con số và dự trữ ngoại tệ vẫn còn tương đối thấp so với nhập khẩu.
Theo dự báo của ADB, năm nay tăng trưởng Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 5,7% trước khi tăng lên 6,2% vào 2013.
Như vậy, mức tăng trưởng kỳ vọng mà ADB đưa ra thấp hơn so với mục tiêu mà Chính phủ dự kiến thực trong năm nay là đạt được tăng trưởng GDP trong khoảng 6-6,5%.
Trong khi đó, lạm phát có thể giảm xuống sát ngưỡng hai con số nhưng với một điều kiện là các chính sách được duy trì đủ chặt chẽ. Cùng với đó, ADB cũng khuyến cáo, triển vọng phát triển có thể có rủi ro nếu Chính phủ nới lỏng chính sách quá nhanh dẫn tới những bất ổn trên thị trường ngoại hối.
Ngân hàng cũng cho rằng, mặc dù lạm phát chung có thể giảm, nhưng lạm phát lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng sẽ khó giảm hơn.
Cơ quan dự báo cũng bày tỏ sự không an tâm với những tác động từ tăng trưởng kinh tế và kỳ vọng giá lượng thực thế giới tăng cao trong năm sau, nên con số lạm phát của 2013 theo ADB sẽ lại tăng lên 11,5%.
Bích Diệp