ACBF mổ xẻ thị trường chứng khoán Việt Nam
(Dân trí) - Diễn đàn doanh nghiệp Thủ đô các nước ASEAN (ACBF) đã lựa chọn chủ đề nhạy cảm “Thị trường tài chính, chứng khoán ASEAN 10 năm sau khủng hoảng” để đưa vào thảo luận. Đây là một dấu ấn rất có ý nghĩa của ACBF Hà Nội trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất sôi động.
Nội dung thảo luận cho thấy cách hành xử của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Ngân hàng Nhà nước về thị trường chứng khoán hoàn toàn khác nhau.
Ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCKNN - cho biết, mặc dù nhận thức rằng thị trường chứng khoán chúng ta có tiềm năng phát triển rất hứa hẹn nhưng từ góc độ quản lý, Uỷ ban này cũng đã có đệ trình Chính phủ những chính sách ngăn ngừa khủng hoảng.
Theo ông Bằng, để không xảy ra điều không ai mong muốn này, vấn đề quan trọng nhất là cần tăng cường công khai minh bạch và Việt Nam đã và đang cố gắng làm tốt điều này.
“Chúng ta đã xây dựng được một hệ thống pháp lý khá đồng bộ, chúng ta cũng đã tiếp cận với những tiêu chuẩn, quy tắc quản trị công ty tốt nhất, thể hiện trong Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.” - ông Bằng nói.
Cũng theo ông Bằng, việc kiểm soát hoạt động huy động vốn đang là vấn đề đặt ra đối với UBCKNN. Nếu Uỷ ban quá thiên về kiểm soát việc phát hành của doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư thì lại dẫn tới tình trạng trì trệ cản trở nhu cầu thu hút vốn của rất nhiều doanh nghiệp.
“Chúng tôi bị một sức ép rất lớn, nếu chúng tôi xử lý nhanh hồ sơ phát hành để doanh nghiệp huy động vốn đúng thời điểm thì lại mắc với những quy định pháp lý bảo vệ nhà đầu tư.” - Chủ tịch UBCKNN chia sẻ.
Công bố của UBCKNN cho thấy, riêng trong 8 tháng đầu năm 2007, tổng số các vụ xử lý vi phạm của Uỷ ban lớn hơn gấp hai lần so với cả 2 năm trước cộng lại.
Trong việc tăng cường thanh tra giám sát, UBCKNN đang đề xuất sửa Pháp lệnh xử phạt hành chính vì những quy định mức phạt trong pháp lệnh này rất thấp và thiếu tính răn đe. Một chương trình phối hợp quốc tế trong việc nâng cấp hệ thống công nghệ phục vụ việc thanh tra giám sát cũng đang được triển khai.
Tuy nhiên, trong khi UBCKNN “tránh gây sốc” thì bằng Chỉ thị 03 về hạn chế cho vay kinh doanh chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước lại hành xử ngược lại. Tại Diễn đàn ACBF, Chỉ thị này tiếp tục bị nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư chứng khoán chỉ trích.
Trả lời phỏng vấn Dân trí, ông Lê Xuân Nghĩa, vụ trưởng Vụ Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, theo khảo sát tại 15 ngân hàng nước ngoài của Vụ Chiến lược thì tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán nói chung du di từ khoảng 10 - 25% tổng tài sản.
Việt Dũng