“Ác mộng” mang tên Dreamliner của phi công Nhật
(Dân trí) - Đồng phục xếp xó, thu nhập giảm mạnh, vài người thậm chí còn phải tạm thời sống phụ thuộc vào vợ. Sự cố an toàn khiến siêu máy bay Dreamliner 787 của hãng Boeing bị đình bay đã khiến hàng loạt phi công ở Nhật rơi vào một “cơn ác mộng” chưa có hồi kết.
Ở Nhật Bản, khoảng 350 phi công tại hai nhà bay là All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines (JAL) bỗng lâm cảnh ngồi nhà kể từ khi 787 Dreamliner bắt đầu bị dừng bay vào giữa tháng Giêng vừa qua. ANA và JAL vận hành khoảng một nửa trong tổng số 50 máy bay Dreamliner được sử dụng toàn cầu ở thời điểm xảy ra sự cố.
“Trong hai tuần đầu tiên kể từ khi bắt đầu ngừng bay, chiếc 787 luôn xuất hiện trong những giấc mơ của tôi. Đây là lần đầu tiên tôi phải nghỉ bay lâu như thế này”, một cơ trưởng của Dreamliner thuộc hãng ANA đề nghị giấu tên nói với phóng viên Reuters. “Việc này giống như tôi đang ‘tập dượt’ để chuẩn bị về hưu. Gia đình tôi nói đùa với tôi rằng tôi đang thất nghiệp”, phi công này than thở.
Không được bay, các phi công lái chiếc 787 Dreamliner có thể chứng kiến thu nhập giảm 30%. Họ đã phải trải qua khóa đào tạo căng thẳng kéo dài suốt 3 tháng để có thể điều khiển “giấc mơ bay” này.
Theo nhân viên tại các hãng hàng không có liên quan, hầu hết các phi công lái 787 Dreamliner hiện đều được phân công những ngày “trống” - chỉ những ngày phi công không làm nhiệm vụ. Vị phi công ANA cho biết, hãng này đã yêu cầu các phi công lái Dreamliner chuẩn bị tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng vào tháng tới.
Các nhà chức trách về an toàn hàng không cho đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân khiến pin ion lithium sử dụng trên 2 chiếc máy 787 Dreamliner tăng nhiệt quá mức vào tháng trước. ANA nói rằng, hãng có kế hoạch không sử dụng loại máy bay này cho tới cuối tháng 5. Trong khi đó, hãng JAL tuyên bố sẽ đình bay Dreamliner cho tới cuối tháng 3.
Phi công lái Dreamliner ở Nhật hiện không được phép lái các loại máy bay khác, cho dù trước đó họ đã điều khiển nhiều loại máy bay bao gồm Boeing 777. Một phi công khác của ANA cho biết, một cơ trưởng của hãng này có thể được trả lương 20 triệu Yên, tương đương khoảng 218.100 USD mỗi năm, cộng thêm số tiền tương đương 20-30% lương tùy thuộc vào số giờ bay, bao gồm cả thời gian làm việc ngoài giờ và phụ cấp làm đêm.
Sau khi 787 Dreamliner bị dừng bay, hãng JAL, đã quyết định bổ sung thêm phụ cấp đặc biệt vào lương của phi công lái loại máy bay này. Thu nhập của phi công JAL phụ thuộc nhiều hơn vào số giờ bay so với ở ANA.
“Mức lương này là cao hơn so với lương của nhiều người, nhưng vì phi công Dreamliner không nhận được mức thu nhập như kỳ vọng, một số người trong số họ bắt đầu cảm thấy các gánh nặng kinh tế”, một phi công lái Dreamliner ở ANA nói. “Tình trạng này không phải là lỗi của công ty, và thật khó để công ty hành động chừng nào nguyên nhân của sự việc còn chưa được làm sáng tỏ”.
Theo giới thạo tin, để trở lại với buồng lái, các phi công của Dreamliner sẽ phải trải qua các khóa đào tạo lại trên các loại máy bay khác. Quy trình này có thể kéo dài vài tháng và gây trì hoãn cho việc đào tạo phi công lái các loại máy bay không phải là Dreamliner.
“Trong tình hình còn chưa rõ khi nào các chuyến bay trên Dreamliner được nối lại, chúng tôi hiện chưa tính đến biện pháp cụ thể nào cho các phi công như việc chuyển họ sang máy bay khác”, một phát ngôn viên của ANA cho biết. Một phát ngôn viên của JAL cho hay, các phi công của hãng này vẫn sẽ được huấn luyện để giữ bằng lái, nhưng hãng chưa có kế hoạch chuyển các phi công này sang lái máy bay khác.
Tuần trước, hãng Boeing đã trình lên cơ quan chức năng Mỹ bản kế hoạch của hãng này cho việc khắc phục lỗi ở pin. Tuy nhiên, tình hình đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì rõ rệt. Các phi công trao đổi với Reuters nói rằng, chiếc 787 rất dễ lái, nhưng một số phi công lo ngại lỗi ở pin của chiếc máy bay này khó có thể được khắc phục sớm.
Một phi công, vốn đã quen với tình trạng lệch múi giờ và bỏ bữa thường xuyên, giờ nằm nhà và ăn đều đặn ba bữa mỗi ngày. Anh đã bị tăng cân rõ rệt và bộ đồng phục trở nên chật chội hơn. Một phi công khác thì chăm chỉ làm vườn và thường xuyên lên mạng để cập nhật thông tin về cuộc điều tra liên quan tới chiếc 787.
Cả hai phi công này cùng tỏ ra lo ngại. “Thực lòng mà nói, tôi lo là không biết cho tới khi nào vấn đề mới được giải quyết xong. Càng dừng bay lâu thì các kỹ năng lái máy bay của tôi càng bị ảnh hưởng tiêu cực”, một trong hai phi công nói.
Phương Anh
Theo Reuters
Theo Reuters