9 ngày không xuất được 10% số gạo hạn ngạch: Điều gì đang xảy ra?

(Dân trí) - Mặc dù 9 ngày trôi qua kể từ khi gạo được phép xuất khẩu trở lại theo hạn ngạch, nhưng khối lượng xuất vẫn rất chậm, ngay cả khi cơ quan hải quan thay đổi cách quản lý, kiểm tra.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, đến chiều qua (20/4), lượng gạo xuất khẩu theo hạn ngạch mới chỉ đạt hơn 32.500 tấn, chỉ đạt 8% hạn ngạch 400.000 tấn Chính phủ giao xuất khẩu trong tháng 4.

9 ngày không xuất được 10% số gạo hạn ngạch: Điều gì đang xảy ra? - 1

8 ngày, chưa xuất được 10% số gạo được giao

Đáng nói, ngày 18/4, sau khi Tổng cục Hải quan điện gửi các Cục và Chi hải quan địa phương yêu cầu không dỡ gạo từ container để kiểm tra mà cân trọng lượng cả container gạo xuất, thì lượng gạo xuất khẩu có sự gia tăng, song vẫn không đáng kể.

Cụ thể, tính đến hết ngày 17/4, lượng gạo doanh nghiệp đã mở tờ khai xuất khẩu trong hạn ngạch chỉ đạt 4.110 tấn, bằng 1% khối lượng.

Từ ngày 18/4 trở đi, sau khi Tổng cục Hải quan yêu cầu thay đổi cách quản kiểm kể trên, đến ngày 20/4, lượng gạo xuất khẩu đạt hơn 28.400 tấn, trung bình 9.500 tấn/ngày, tổng lượng gạo xuất đi hơn 32.500 tấn. Tính bình quân, trong 9 ngày qua doanh nghiệp mới chỉ xuất được 8%/tổng hạn ngạch. Đây rõ ràng là vấn đề khó hiểu.

Nếu tính bình quân 10 ngày còn lại của tháng 4/2020, doanh nghiệp và cơ quan Hải quan Việt Nam phải hoàn tất xuất khẩu số gạo lên đến 36.700 tấn. Điều đó có nghĩa là lượng gạo xuất đi một ngày phải hơn lượng gạo xuất đi của 9 ngày trước đó cộng lại.

9 ngày không xuất được 10% số gạo hạn ngạch: Điều gì đang xảy ra? - 2

Lượng gạo xuất khẩu theo hạn ngạch ngày 20/4 trên website Tổng cục Hải quan

Nếu hết tháng 4/2020, số gạo theo hạn ngạch 400.000 tấn được giao không xuất hết, phương án có chuyển hạn ngạch hay bỏ hạn ngạch tháng 4 để thiết lập hạn ngạch mới trong tháng 5 sẽ phụ thuộc vào quyết định của Bộ Công Thương.

Vướng chính sách hay doanh nghiệp "ôm" tờ khai?

Theo một chuyên gia về lúa gạo, mỗi năm Việt Nam xuất từ 6-8 triệu tấn gạo, không thể có chuyện doanh nghiệp không thể xuất khẩu được hoặc hệ thống của hải quan không đủ năng lực để xuất khẩu lượng gạo lớn.

Đơn cử năm 2019, trong điều kiện hải quan quản kiểm đúng quy định, lượng gạo xuất của Việt Nam đạt 6,3 triệu tấn, mỗi tháng tương đương xuất hơn 525.000 tấn, mỗi ngày hơn 17.500 tấn ở các Chi cục hải quan trên cả nước

Theo các chuyên gia, vấn đề 9 ngày mà mới chỉ xuất được 8% số gạo/hạn ngạch cần làm rõ vướng mắc ở khâu nào? Có hay không việc doanh nghiệp không đủ năng lực nhưng vẫn được mở tờ khai? Mở tờ khai khống để phá vỡ kế hoạch xuất khẩu gạo? Hay có hay không việc doanh nghiệp ôm "tờ khai" để không cho các doanh nghiệp khác xuất khẩu hoặc tư lợi cho mình trong khi giá lúa gạo đang tăng cao.

Nghi vấn này trước đó đã được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra trong báo cáo gửi Chính phủ, các Bộ ngành. VFA yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền liên quan ngay lập tức áp dụng biện pháp chế tài đối với các thương nhân đã truyền tờ khai nhưng không xuất trình đúng, đủ số lượng hàng hoá, số container và số seal của container hàng đã đóng xong như đã khai báo.

Đồng thời, huỷ toàn bộ tờ khai đã được truyền của thương nhân tại hệ thống nếu phát hiện việc khai khống số lượng, khai khống số container và số seal, không xuất trình được hàng hoá khi kiểm hoá.

Thực tế, theo VFA, sau ngày 24/3, ngay khi lệnh cấm xuất khẩu gạo được đưa ra, các doanh nghiệp xuất khẩu chuyển gạo đến các cảng cũng không được làm thủ tục, gạo bị trữ tại đây. 

Khi Chính phủ cho phép xuất khẩu theo hạn ngạch trở lại, Hải quan Việt Nam mở tờ khai xuất khẩu 0 giờ ngày 12/4, có hiện tượng doanh nghiệp có gạo tại cảng, không biết được thông tin, không đăng ký được tờ khai xuất khẩu gạo nào, vẫn phải lưu gạo tại kho, bãi cảng, phát sinh chi phí. Trong khi, có hiện tượng doanh nghiệp chưa có gạo, nhưng có tờ khai, thậm chí mở nhiều tờ khai, gây bất bình trong giới kinh doanh gạo.

Nguyễn Tuyền