1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

5 “đại hiểu lầm” về kinh tế Trung Quốc

(Dân trí) - Tốc độ tăng trưởng ấn tượng Trung Quốc đã trở thành một trong những câu chuyện được chú ý nhất trong nhiều năm qua. Những hiểu lầm về thách thức và cơ hội mà họ mang tới cho Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới xuất hiện nhan nhản khắp nơi.

5 “đại hiểu lầm” về kinh tế Trung Quốc - 1
Công nhân Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt tới Tây Tạng xa xôi. (Ảnh: Xinhua).
 
Dưới đây là 5 suy nghĩ sai lầm phổ biến nhất trong số đó:

1/ Trung Quốc sẽ sớm đoạt vị trí nền kinh tế số một thế giới từ tay Hoa Kỳ

Theo một cuộc điều tra do trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện tháng 11 vừa qua, 44% số người Mỹ được hỏi tin rằng Trung Quốc đã nắm trong tay quyền lực kinh tế  lớn nhất thế giới, trong khi chỉ 27% cho rằng Hoa Kỳ vẫn đang giữ vị trí này.

Trên thực tế, nhận thức của số đông trong trường hợp này hoàn toàn trái với sự thật.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ sản xuất ra khoảng 5.000 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ trong năm nay, vượt qua Nhật Bản để chiếm vị trí số hai thế giới, song vẫn chỉ bằng hơn 1/3 so với con số 14.000 tỷ USD GDP của Mỹ, và càng thua xa nếu so với EU.

Xét về tổng giá trị hàng hóa, Hoa Kỳ tạo ra 20% sản lượng công nghiệp của thế giới, gấp đôi tỷ lệ của Trung Quốc.

2/ Trung Quốc nắm giữ lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ, vì thế họ có thể gây sức ép trong đàm phán kinh tế

Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ với khoảng 1.000 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ trong tay.

Nhiều người nghĩ  rằng Trung Quốc là “ngân hàng của Mỹ”, và với tư cách là ngân hàng, họ có thê rút vốn thông qua việc bán trái phiếu đang nắm giữ bất cứ khi nào Washington không làm các nhà lãnh đạo nước này hài lòng.

Tuy nhiên thực tế  hoàn toàn ngược lại, Trung Quốc chỉ đóng vai trò như một người gửi tiền tiết kiệm, họ cần sự an toàn, tính thanh khoản và chỉ yêu cầu một lãi suất thấp cho khoản tiền gửi của mình.

Với tư cách người gửi tiền, họ không có quyền can thiệp vào hoạt động của ngân hàng, mà chỉ có  thế bày tỏ thái độ bằng cách rút tiền và chuyển sang một “ngân hàng“ khác.

3. Nâng giá Nhân dân tệ là biện pháp quan trọng nhất để Trung Quốc giảm bớt thặng dư thương mại

Người Mỹ thường bất mãn với chính sách neo tỷ giá Nhân dân tệ vào USD. Họ cho rằng nhờ đó hàng hóa Trung Quốc đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng và giúp nước này có được thặng dư thương mại, trong khi các đối tác chịu thiệt thòi.

Tất nhiên, vấn đề tỷ giá là quan trọng nhưng sẽ sai lầm nếu tin rằng nâng giá Nhân dân tệ sẽ làm thặng dư thương mại của Trung Quốc biến mất.

Cuối những năm 80, Nhật Bản từng để giá trị đồng yên tăng gấp đôi, song thặng dư của họ không hề thay đổi. Ngược lại, năm 2009, Trung Quốc giữ tỷ giá Nhân dân tệ cố định so với USD, song thặng dư nước này giảm tới 1/3.

4. Nhu cầu nguyên nhiên liệu của Trung Quốc đang vắt kiệt tài nguyên thế giới và là nguyên nhân chính dẫn đến sự ấm lên của trái đất

Trung Quốc là nước xả nhiều carbonic và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính nhất trên thế giới. Và cũng chính Trung Quốc phải sử dụng nhiều năng lượng hơn để tạo ra 1 USD trong GDP so với phần lớn các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Nhưng nếu tính theo đầu người, lượng tài nguyên mà nước này sử dụng còn khiêm tốn hơn nhiều so với những nước phát triển. Ví dụ như, Trung Quốc tiêu thụ chỉ 8 triệu thùng dầu/ngày dù ô tô đang ngày càng phổ dụng ở đây, còn Hoa Kỳ mỗi ngày tiêu tốn đến 20 triệu thùng.

So sánh theo cách khác, Trung Quốc chiếm gần 1/4 dân số thế giới, song chỉ dùng hết 1/10 sản lượng dầu trên toàn cầu. Trong khi đó, Hoa Kỳ, với số dân bằng 5% nhân loại, sử dụng những gần 1/4 lượng tiêu thụ dầu mỏ thế giới. Vậy thì ai là kẻ tham lam hơn?

5. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng là nhờ bóc lột tàn ác nguồn lao động rẻ mạt

Mỗi khi có một nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhảy vọt, các quốc gia giàu có thường buộc tội họ “gian lận” bằng cách kìm giữ mức lương và tỷ giá hối đoái thấp. Nhưng đó không phải gian lận mà đơn giản là một giai đoạn đương nhiên trong quá trình phát triển.

Họ đang đi trên con đường mà nhiều nền kinh tế được coi là phát triển đã từng trải qua, bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Những quốc gia này đều đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng cũng như giáo dục, đẩy lực lượng lao động trong nước nhanh chóng chuyển từ khu vực nông thôn năng suất thấp sang khu vực thành thị với hiệu quả cao hơn.

Trong thời kỳ dư thừa lao động nông nghiệp, tiền lương đương nhiên rất thấp, nhưng nó tăng lên nhanh chóng sau khi số lao động dôi dư này gia nhập khu vực thành thị. Thêm vào đó, Trung Quốc đang phải đối mặt với một thực tế: số lượng thanh niên trong độ tuổi bắt đầu làm việc (từ 15 đến 24) được dự báo sẽ giảm 1/3 trong 12 năm tới.

Khi lực lượng lao động trẻ khan hiếm hơn, tiền lương chắc chắn sẽ  phải tăng lên. Và điều này đã được chứng minh: Quảng Đông - trung tâm xuất khẩu chính của Trung Quốc - vừa tăng mức lương tối thiểu thêm 20% trong tháng trước.

Hoàng Sơn
Theo Washington Post

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm