44.500 doanh nghiệp phá sản, giải thể từ đầu năm
(Dân trí) - Con số này tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 6.400 doanh nghiệp giải thể; 7.600 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và tới 30.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tháng này ở mức 5,4 tỷ đồng, giảm 13% so với tháng trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8 theo đăng ký giảm 9,8% so với tháng trước, còn 79.400 lao động.
Trong khi đó, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký của cả nước lên tới 6.681 doanh nghiệp, tăng 35,5% so với tháng trước, và cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Trong số này bao gồm 755 doanh nghiệp giải thể; 1.050 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 4.876 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.
Riêng trong tháng 8, xấp xỉ 6.700 doanh nghiệp đã phải đóng cửa.
Theo đánh giá của cơ quan thống kê, mặc dù số doanh nghiệp và số vốn đăng ký mới giảm so với tháng trước nhưng bức tranh chung về tình hình doanh nghiệp trong tháng cho thấy dấu hiệu tích cực khi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trên cả nước là 1.496 doanh nghiệp, tăng 35,2% so với tháng trước.
Tính chung 8 tháng, cả nước có 47.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 289.800 tỷ đồng, giảm 9,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 6,1 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2013. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng là 708.500 lao động, tăng 1% so với cùng kỳ.
Từ đầu năm, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký đã tăng 12,9% so cùng kỳ, lên 44.500 doanh nghiệp (bao gồm 6.400 doanh nghiệp giải thể; 7.600 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 30.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký).
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp gặp khó khăn ở mức 339.200 tỷ đồng - bao gồm: vốn đăng ký của các doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể là 49.300 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm là 658.500 tỷ đồng.
Điểm sáng trong 8 tháng là cả nước có 10.900 doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong 8 tháng đầu năm, một số ngành có tín hiệu tích cực thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới tăng và số doanh nghiệp gặp khó khăn giảm như ngành sản xuất phân phối, điện, nước, gas; hoạt động dịch vụ khác.
Một số ngành thể hiện sự tái cơ cấu mạnh qua số liệu doanh nghiệp giải thể, rút khỏi thị trường. Có thể kể đến ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí có số doanh nghiệp giải thể, tăng 46,5% về số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 26,2% về số doanh nghiệp dừng hoạt động. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 23,9% và tăng 6,3%; kinh doanh bất động sản tăng 21,5% và tăng 11,2%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 18,8% và tăng 30,9%; thông tin và truyền thông tăng 7,9% và tăng 30,9%.
Một số ngành vẫn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh như bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; xây dựng...
Bích Diệp