4 "trọc phú" lừng danh đất Sài Gòn giàu cỡ nào?
Vào cuối thế kỷ 19, đất Sài Gòn - Chợ Lớn nổi lên bốn vị trọc phú có gia sản kếch xù, được mệnh danh là “Tứ đại phú hộ” mà tiếng tăm còn truyền lại đến bây giờ qua câu nói dân gian “Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định”.
Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt: Giàu hơn vua Bảo Đại
Nhân vật số một của Tứ đại phú hộ là Huyện Sỹ (1841 – 1900), người có tên khai sinh là Lê Nhứt Sỹ, sinh ra tại Sài Gòn trong một gia đình theo đạo Công giáo. Từ nhỏ ông đã được các tu sỹ người Pháp đưa đi du học ở Malaysia. Tại đây, ông đổi tên thành Lê Phát Đạt do tên cũ của ông trùng với tên một người thầy dạy.
Sau khi về nước, ông được Chính phủ Pháp bổ nhiệm làm thông ngôn, từ năm 1880 làm Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Dù đã đổi tên nhưng người quen vẫn gọi ông bằng tên cúng cơm, vì vậy mà cái tên Huyện Sỹ đã gắn bó với số phận của ông.
Sự giàu có nhanh chóng của Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt bắt đầu từ một việc trớ trêu. Khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, dân cư tản mát, nhiều ruộng đất trở nên vô chủ, bán rẻ mạt mà không ai mua. Chính quyền thuộc địa ép Lê Phát Đạt, khiến ông bất đắc dĩ phải đi vay mượn mà mua liều. Không ngờ ruộng của ông trúng mùa liên tiếp mấy năm liền, khiến ông bỗng chốc phát tài. Dù nhiều tiền của nhưng ông không tiêu xài phung phí mà còn dạy người nhà thói cần kiệm.
Nhà thờ Huyện Sỹ. |
Là người mộ đạo, ông đã dùng gia sản khổng lồ của mình để xây các nhà thờ bề thế ở Sài Gòn, là nhà thờ Huyện Sỹ và nhà thờ Chí Hòa ngày nay. Người con trai của ông là kỹ sư Lê Phát Thanh cũng bỏ tiền ra xây nhà thờ Hạnh Thông Tây, nay thuộc quận Gò Vấp của TP HCM.
Các con cái của Huyện Sỹ đều là những đại điền chủ sở hữu vô số đất đai ở Nam Kỳ lục tỉnh, nhận nhiều bổng lộc từ triều đình nhà Nguyễn dù không phải người hoàng tộc. Sau này, một người cháu ngoại của Huyện Sỹ là Nguyễn Hữu Thị Lan đã trở thành hôn thê của vua Bảo Đại, được biết đến với danh xưng Nam Phương hoàng hậu. Mức độ giàu có của gia tộc Huyện Sỹ được đồn thổi là lớn hơn rất nhiều lần so với vua Bảo Đại.
Sự giàu có của Huyện Sỹ ngày nay còn được thể hiện một cách rõ nét qua các công trình xây dựng mà ông để lại. Nổi bật số đó là nhà thờ Huyện Sỹ, công trình mà ông đã hiến 1/7 tài sản cá nhân để xây dựng. Nhà được khởi công xây dựng từ năm 1902 và đến năm 1905 hoàn thành theo thiết kế của linh mục Bouttier, tiêu tốn khoảng 30 ngàn đồng bạc Đông Dương thời bấy giờ.
Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt qua đời năm 1900, trước khi ngôi nhà thờ tâm huyết của ông được xây dựng. Sai khi vợ của ông là bà Huỳnh Thị Tài mất năm 1920, con cháu đã đưa thi hài hai ông bà về chôn ở gian chái sau cung thánh của nhà thờ Huyện Sỹ. Nơi đây cũng đặt tượng của ông cùng vợ và các con.
Ngày nay, nhà thờ Huyện Sỹ là một điểm đến thu hút khách du lịch, đặc biệt là đối với những ai muốn tìm hiểu về cuộc đời của đại gia giàu có bậc nhất Sài Gòn thời xưa.
Đỗ Hữu Phương: Tiến thân nhờ theo Pháp
Năm 1859, khi quân Pháp tiến đánh Gia Định, Đỗ Hữu Phương lui về Bà Điểm, Hóc Môn lánh thân và chờ thời. Năm 1861, ông được nhận làm cộng sự của người Pháp với sự giới thiệu của cai tổng Đỗ Kiến Phước. Sài Gòn Chợ Lớn thời đó chia làm 20 hộ. Đỗ Hữu Phương được chính quyền cho làm hộ trưởng, từ đó lần lượt leo lên nhiều chức vụ khác nhau.
Đỗ Hữu Phương (1841-1914). |
Từ năm 1866 - 1868, Đỗ Hữu Phương chỉ huy hoạt động do thám phong trào chống đối Pháp và tham gia dẹp nhiều cuộc khởi nghĩa ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn và lân cận. So với những tay sai khác của Pháp, ông tỏ ra khéo léo và mềm mỏng, chủ trương tránh gây đổ máu, chuốc thù oán. Bằng sự khôn khéo của mình, ông đã thuyết phục nhiều nhân vật nổi dậy quy hàng, đồng thời xin chính phủ Pháp ân xá cho họ.
Dù vậy, Đỗ Hữu Phương tỏ ra rất không thương xót với những người nổi loạn cứng rắn. Ông đã thẳng tay trừng trị Thủ khoa Huân (Đỗ Hữu Huân) - một trong những bạn hồi thơ ấu, khi bị nhà lãnh đạo khởi nghĩa này bội tín. Bản thân Đỗ Hữu Phương đã có lần suýt chết vì sự chống trả của quân khởi nghĩa.
Với các công trạng của mình, Đỗ Hữu Phương tiếp tục thăng tiến. Đến năm 1872, ông trở thành hội viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn và năm 1879 làm phụ tá Xã Tây Chợ Lớn cho Antony Landes.
Tận dụng chức vụ này, Đỗ Hữu Phương thường ngầm làm trung gian để giới thương gia người Hoa hối lộ cho các viên chức Pháp và bỏ túi những lợi nhuận khổng lồ. Ông giàu lên nhanh chóng, uy thế lớn đến mức quan Toàn quyền Paul Doumer cũng biết tiếng và ghé thăm. Lợi dụng cái bóng của Paul Doumer, ông thâu tóm được một diện tích đất ruộng lên đến 2.223 mẫu.
Trên đường quan lộ, Đỗ Hữu Phương vẫn thăng tiến như diều gặp gió, được thưởng tam đẳng bội tinh, thăng Tổng đốc hàm và nhận được nhiều ưu đãi khác. Năm 1881, ông gia nhập quốc tịch Pháp, các con đều được đưa sang Pháp du học.
Ông được người Pháp ca ngợi rằng: “Phương tích cực phục vụ cho sự nghiệp của nước Pháp, không chỉ với khả năng quân sự mà còn với sự hiểu biết tường tận về xứ này, đặc biệt là Chợ Lớn”. Trên thực tế, Đỗ Hữu Phương là một trong những tay sai đắc lực nhất cho các sĩ quan Pháp trong việc bình định xứ Nam Kỳ.
Ðỗ Hữu Phương mất năm 1914. Đám tang của ông được tổ chức rất trọng thể. Thi hài của ông được quàn nửa tháng mới chôn, mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách viếng. Trâu, bò, lợn, gà được mổ liên miên để cúng và đãi khách.
Bá hộ Xường: Đại gia ngành thực phẩm
Bá hộ Xường (1842 – 1896) tên thật là Lý Tường Quan, tên tự là Phước Trai, là nhân vật thứ ba trong Tứ đại phú hộ đất Sài Gòn.
Cuộc đời và sự nghiệp của Bá hộ Xường - Lý Tường Quan được ghi chép lại rất ít, hầu hết chỉ còn lưu lại trong những giai thoại. Theo đó, Lý Tường Quan là người Minh Hương (Hoa Kiều trung thành với nhà Minh) chống lại nhà Thanh nên đến lánh nạn ở miền Nam Việt Nam.
Thông thạo cả tiếng Hoa lẫn tiếng Pháp, Lý Tường Quan trở thành thông ngôn cho Pháp và được chính quyền thực dân tin tưởng, trọng dụng.
Tuy vậy, địa vị mà nghề thông ngôn mang lại không làm Lý Tường Quan thỏa mãn. Khoảng năm 30 tuổi, ông bỏ nghề này và nhảy vào thương trường.
Lĩnh vực mà Lý Tường Quan nhắm đến là cung cấp lương thực, thực phẩm cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Biết tranh thủ thời cơ khan hiếm hàng hóa, lại giỏi lấy lòng quan Tây để được che chở, nâng đỡ, ông nhanh chóng trở thành đại gia số một trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm lúc bấy giờ. Do Tường Quan còn có tên khác là Xường, lại rất giàu có, nên người dân thường gọi ông là Bá hộ Xường.
Với lợi nhận từ việc kinh doanh thịt cá, Bá hộ Xường bắt đầu mua đất xây cất biệt thự tại vùng Chợ Lớn để cho thuê và bán, gia sản lại càng được mở rộng.
Dinh thự của Bá hộ Xường rất bề thế, ngày nay tọa lạc trên đường Hải Thượng Lãn Ông, được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Một công trình khác ông để lại là khu nhà mồ cổ xây dựng năm 1896, hiện thuộc địa phận quận Tân Bình, TP HCM. Toàn bộ công trình tuy không đồ sộ nhưng rất khoáng đạt và tinh tế, là sự kết hợp của lối kiến trúc gôtich với phong cách Á Đông.
Bá hộ Xường qua đời năm 1896. Sau khi ông mất, hầu hết tài sản bị con cháu ăn xài, tiêu phí hết.
Bá hộ Định và các “ứng viên” khác
Trong câu truyền miệng trong dân gian “Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định”, nếu ba vị trí đầu tiên của Tứ đại phú hộ được phân định rõ ràng thì vị trí thứ tư lại có nhiều “phiên bản” khác nhau. Đôi khi “Tứ Định” được thay thế bằng Tứ Hỏa, Tứ Trạch hoặc Tứ Bưởi.
“Tứ Định” ở đây chính là bá hộ Định, một thương gia có tên thật là Trần Hữu Định. Ông vốn là chủ tiệm cầm đồ rồi được chính quyền Pháp cho làm Hộ trưởng kinh doanh đất đai, xuất nhập khẩu vải sợi, phất lên thành đại gia nhờ biết nắm thời cơ những lúc hàng khan hiếm, tương tự như bá hộ Xường. Và cũng giống bá hộ Xường, sau khi bá hộ Định mất, gia sản của ông bị con cháu tàn phá tan hoang.
Trong vị trí thứ tư của Tứ đại phú hộ, “Tứ Hỏa”, thường được gọi là Chú Hỏa, là nhân vật gắn với nhiều giai thoại về sự giàu có.
Chú Hỏa (1845-1901) có tên thật là Hứa Bổn Hòa, có tổ tiên là người Hoa ở Phúc Kiến chống chính quyền mãn Thanh nên di cư sang Việt Nam. Vốn là người nhặt ve chai, Chú Hỏa đã trở nên giàu có một cách lạ kỳ.
Thiên hạ đồn rằng, khi đi nhặt ve chai Chú Hỏa đã nhặt được cả túi vàng nằm trong một chiếc ghế nệm cũ và dùng số vàng đó làm ăn rồi giàu lên nhanh chóng. Các phiên bản khác của giai thoại này thay túi vằng bằng bức tượng đúc đồng nhưng bên trong đầy vàng, hoặc những thứ đồ cực kỳ quý hiếm trong những món đồ vứt đi.
|
Khách sạn Majestic được chú Hoả xây dựng. |
Rồi có cả những giai thoại cho rằng chú Hỏa an táng mộ cha đúng long mạch nên làm ăn phát đạt hay thừa hưởng cả một kho báu của nhà Minh để lại. Những giả thiết có phần thực tế hơn cho rằng Hỏa đã tích cóp để trở thành chủ đại lý ve chai, hoặc được một ông chủ người Pháp thương tình giúp đỡ, từ đó có vốn liếng để làm ăn.
Dù sự thật như thế nào thì Chú Hỏa đã chứng tỏ được mình là một nhà kinh doanh có tài. Ông là chủ nhân của công ty bất động sản Hui Bon Hoa, từng sở hữu trên 20.000 căn nhà ở Sài Gòn.
Công ty của Chú Hỏa đã xây dựng nhiều công trình có giá trị, còn tồn tại đến nay như Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, Khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, khu nhà khách Chính phủ v..v.
Ngoài ra, “Tứ Trạch” trong Tứ đại phú hộ là Trần Trinh Trạch (1872-1942). Tương truyền, ông xuất thân nhà nghèo, đi làm mướn cho một điền chủ nhập tịch Pháp nên có vốn chữ nghĩa tiếng Pháp. Sau này, ông đi làm viên chức cho tòa hành chính tỉnh Bạc Liêu. Nhờ vốn kiến thức về luật pháp mà ông giàu lên nhờ thu mua tài sản điền địa của các địa chủ thất vận.
Trần Trinh Trạch được xem là một trong những đồng sáng lập Ngân hàng Việt Nam năm 1927- ngân hàng đầu tiên do chính người Việt Nam sáng lập và điều hành, trụ sở đặt tại Sài Gòn.
Người con trai thứ ba của ông chính là Công tử Bạc Liêu, một cậu ấm ăn chơi khét tiếng cả Nam Kỳ.
“Tứ Bưởi” trong Tứ đại phú hộ chính là Bạch Thái Bưởi, người được xem là nhà tư sản dân tộc tiêu biểu thời cận đại trong lịch sử Việt Nam.