4 bí quyết vàng cho quản lý tài chính gia đình
Chỉ cần tuân theo những nguyên tắc này của các chuyên gia tài chính hàng đầu, bạn sẽ thấy việc hoàn thành kế hoạch tài chính gia đình không khó như bạn tưởng.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành tài chính cũng như những trải nghiệm cá nhân khi quản lý tài chính của gia đình mình, ông Wayne Besant – Tổng Giám đốc AIA Việt Nam và ông Sabbir Ahmed - Giám đốc Toàn quốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản HSBC Việt Nam đã đưa những lời khuyên vàng dành cho gia đình Việt.
Lên kế hoạch sớm và theo sát kế hoạch
Lời khuyên đầu tiên dành cho các gia đinh trẻ từ cả hai chuyên gia tài chính là "bắt đầu lập kế hoạch và tiết kiệm cho mục tiêu tài chính của bạn càng sớm càng tốt". Cho dù đó là mua nhà, đầu tư vào giáo dục cho con cái hay chuẩn bị tài chính để nghỉ hưu, việc lập kế hoạch trước sẽ cho bạn một cái nhìn rõ ràng và toàn diện về tình hình tài chính hiện tại của bạn, cũng như việc bạn nên chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư mỗi tháng như thế nào để đạt được mục tiêu của mình.
Tiết kiệm và có kế hoạch rõ ràng cho tương lai trong những năm đầu cũng sẽ thiết lập những thói quen và kỷ luật tốt, có thể có tác động tích cực đến tất cả các yếu tố trong cuộc sống của bạn và gia đình bạn trong những năm sau này. Việc lên kế hoạch cũng sẽ giúp bạn bớt những căng thẳng và lo âu về tài chính trong cuộc sống, để tận hưởng cuộc sống nhiều hơn. "Từ kinh nghiệm cá nhân của mình, tôi khuyên bạn hãy tận hưởng khoảng thời gian khi còn là một gia đình trẻ, bởi nó sẽ trôi qua rất nhanh", ông Wayne chia sẻ.
Lên kế hoạch đã khó, nhưng việc giữ kỷ luật và theo sát kế hoạch còn khó khăn hơn nhiều. Đây là giai đoạn mà nhiều gia đình thất bại và dần dần buông xuôi việc quản lý tài chính gia đình. Một cách để giúp bạn giữ ngân sách là theo dõi tất cả chi tiêu của bạn và xem lại danh sách vào cuối tuần. Sau đó, bạn có thể dễ dàng xem những chi phí nào là cần thiết và những chi phí nào không, để quản lý tốt hơn chi tiêu của bạn theo tuần hoặc tháng tiếp theo. "Ngày nay, có rất nhiều công nghệ và ứng dụng mới hỗ trợ bạn trong việc ghi lại và theo dõi, quản lý các khoản chi tiêu hàng ngày một cách khoa học".
Luôn suy nghĩ một cách thực tế
Thực tế nghĩa là khả năng xác định được khoản tiền “thực” nhận và “thực” chi trong tương lai. “Mục tiêu tài chính của bạn phải thật thực tế và cụ thể", ông Sabbir nói, "Ví dụ bạn không nên coi nhẹ khoản đặt cọc khi vay mua nhà, hay coi nhẹ chi phí cho sức khỏe của mình khi lên kế hoạch tài chính cho hưu trí".
Suy nghĩ thực tế cũng bao gồm cả việc dự đoán trước những rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào cho bạn hay gia đình. Hãy luôn chuẩn bị một khoản tiền dự phòng “khẩn cấp” để không bị rơi vào thế bị động khi những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra. Tham gia bảo hiểm cũng là một cách rất tốt để bảo vệ bạn và gia đình trước những rủi ro không lường trước. Bạn cũng nên giảm thiểu rủi ro tài chính bằng cách “bỏ trứng vào nhiều giỏ” - cân bằng các nguồn tiết kiệm và danh mục đầu tư của mình. "Hãy luôn thực tế về lợi nhuân đầu tư và cả rủi ro bạn sẽ nhận được", ông Sabirr lưu ý.
“Chẻ nhỏ” mục tiêu
Các gia đình người Việt thường đặt ra mục tiêu cho khoảng thời gian từ 10 hay 20 năm sau. Điều này là cần thiết, nhưng đó là mục tiêu dài hạn. “Có rất nhiều thứ bạn cần đạt được ngay, như trong một hay vài tháng tới. Khi lập kế hoạch, bạn dễ bỏ sót nên không lường được các khoản cần chi, do đó khó đạt được mục tiêu lớn như mong đợi...” ông Wayne nói.
Ông cũng khuyên rằng nếu quá tập trung vào việc chọn “bằng được” một mục tiêu duy nhất, bạn sẽ bối rối vì không biết nên dành sự ưu tiên cho khoản đầu tư nào. “Có thể cuối cùng bạn sẽ chọn dành tiền cho con cái hoặc tiết kiệm cho tuổi về hưu, nhưng hiện tại thì việc cải thiện sức khỏe, mở rộng kiến thức hoặc thực hiện ý tưởng kinh doanh mới là điều quan trọng với bạn. Tốt nhất, đừng ngại đầu tư vào mỗi lĩnh vực một khoản hợp lí. Lí do là bởi chúng có thể sẽ trở thành bước đệm giúp bạn thu về nhiều hơn. Ngay cả các giải pháp tài chính hiện nay cũng không còn đơn thuần là tiết kiệm hay mang tính ‘bảo vệ’ như trước. Bạn có nhiều lựa chọn sản phẩm để có thể kết hợp mục tiêu bảo vệ tài chính với việc đầu tư hoặc tích lũy. Đây cũng là một cách đơn giản để bạn bắt đầu việc lập kế hoạch tài chính của mình”.
Tìm kiếm nguồn tư vấn chuyên nghiệp
Người Việt thường ngại hỏi các nhân viên tư vấn mà lại tự tìm hiểu hoặc tham khảo bạn bè, người thân hay thậm chí là... người lạ trên các diễn đàn, mạng xã hội rồi làm theo kinh nghiệm bản thân. Rất có thể niềm tin của bạn đang đặt sai chỗ.
Theo ông Sabbir, "Mỗi người chúng ta đều có những tình trạng và mục tiêu tài chính khác nhau, mức độ chấp nhận rủi ro cũng rất khác nhau. Do đó, các giải pháp tài chính cần rất chuyên biệt và thay đổi theo từng trường hợp".
Các tư vấn viên với kinh nghiệm cũng như khả năng tiếp cân kiến thức mới và các công cụ tài chính là nơi tin tưởng để hỗ trợ bạn đưa ra những quyết định tài chính tốt nhất. Ngoài ra, họ có thể giúp bạn tránh những sai lầm phổ biến như không có một chiến lược đầu tư dài hạn hoặc không những biện pháp phòng tránh rủi ro tài chính. Nhìn chung, tìm kiếm một lời khuyên tài chính chuyên nghiệp có thể mang lại cho bạn một sự an tâm và đảm bảo rằng kế hoạch tài chính của bạn sẽ đi đúng hướng.
N. Linh