3 kịch bản tăng trưởng Việt Nam năm 2013

(Dân trí) - Trong trường hợp lạc quan nhất, Việt Nam sẽ có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 6,34%, CPI tăng 8,2%. Tuy nhiên, kịch bản được cho là sẽ có nhiều khả năng xảy ra nhất, tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 5,68%; CPI tăng 7,1%.

Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc lớn vào tình hình thế giới.
Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc lớn vào tình hình thế giới.

Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia (NCEIF) vừa công bố 3 kịch bản về kinh tế Việt Nam năm 2013.
 
Trong đó, kịch bản 2 được nhóm nghiên cứu coi là kịch bản chủ có nhiều khả năng xảy ra nhất. Tại kịch bản này, nhóm nghiên cứu giả thiết, nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu tìm thấy lối thoát và không còn là vấn đề lớn; xung đột chính trị và tranh chấp chủ quyền biển đảo dịu bớt; nền kinh tế Mỹ được phục hồi khá, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản gần tương tự như năm 2012, thương mại thế giới tốt hơn.

Trong những điều kiện này, NCEIF cho rằng, luồng vốn FDI vào Việt Nam sẽ khả quan hơn và tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,68%, vốn trên GDP là 30,5% và tăng trưởng xuất khẩu đạt 14,6%. Lạm phát dự kiến 7,1%.

Ở kịch bản tăng trưởng cao, nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu được giải quyết cơ bản; xung đột chính trị và tranh chấp chủ quyền biển đảo hứa hẹn được giải quyết; kinh tế thế giới khả quan, thương mại thế giới tăng trưởng khá.

Trong bối cảnh này, nhóm nghiên cứu kỳ vọng, Chính phủ sẽ có chính sách điều hành linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong việc khắc phục tình trạng đình đốn sản xuất kinh doanh doanh nghiệp và giải quyết nợ xấu, kịp thời đón bắt xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư FDI và ODA từ Trung Quốc, Ấn Độ sang các nước ASEAN.

Khi đó, tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,34%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 16,3%. Tỷ lệ nhập siêu trên xuất khẩu là 6,6%. Lạm phát 8,2%.

Trường hợp tệ nhất, ở kịch bản thấp, nền kinh tế thế giới không tăng trưởng cao như mong muốn do tình hình nợ công khu vực đồng tiền chung châu Âu chưa tìm được lối thoát, xung đột chính trị ở Trung Đông và chủ quyền biển đảo càng trở lên căng thẳng; tăng trưởng kinh tế Nhật chưa được cải thiện, vẫn tiếp tục giảm; nền kinh tế Mỹ được phục hồi không như mong muốn.

Đối mặt với tình hình đó, xuất khẩu bị tác động tiêu cực và tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ chỉ ở mức 5% so với năm 2012, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên GDP là 29%. Tăng trưởng xuất khẩu là 12,8% và nhập siêu trên xuất khẩu là 2,4%. Lạm phát 5,5%.

Dư địa hút vốn FDI còn nhiều

Dư địa hút vốn FDI còn nhiều

Theo phân tích của NCEIF về bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước năm 2013, nhất là phân tích xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, ODA từ một số nước vào các nước ASEAN, nhóm nghiên cứu nhận định, dư địa để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho phát triển kinh tế vẫn còn nhiều.

So với nhiều nước ASEAN khác, Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút dòng vốn này do môi trường chính trị - xã hội Việt Nam ổn định, nguồn lao động trẻ dồi dào, giá nhân công thấp và nhất là Chính phủ đang có nhiều nỗ lực để khắc phục những hạn chế của môi trường đầu tư.

Về xuất khẩu hàng hóa năm tới, NCEIF cho rằng, Việt Nam sẽ có được những yếu tố tác động tích cực khi tăng trưởng của nền kinh tế thế giới nói chung và các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam nói riêng như EU, Hàn Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2013.

Cùng với đó, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu, đối tượng được ưu tiên cứu trợ trong chính sách trợ giúp doanh nghiệp của Chính phủ sẽ được cải thiện trong năm 2013. Thị trường xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực gạo, cà phê, chè…tiếp tục ổn định.

Tuy nhiên, kinh tế thế giới năm 2013 được dự báo là có tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2012 nhưng không nhiều, và vào những tháng cuối năm lại có xu hướng điều chỉnh dự báo tăng trưởng giảm so với trước đó (từ mức 3,9% xuống 3,4%). Điều đó chứng tỏ nền kinh tế thế giới vẫn đang chứa đựng nhiều rủi ro.

Hai đối tác nhập khẩu quan trọng của Việt Nam là Mỹ có tốc độ tăng trưởng đuợc dự báo chỉ nhỉnh hơn năm trước, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản được dự báo sụt giảm hơn, sẽ gây tác động không  nhỏ đến xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013.

Việt Nam đang thực hiện xóa bỏ và giảm thiểu các trợ cấp xuất khẩu theo cam kết gia nhập WTO trong khi việc sử dụng các hàng rào bảo hộ kĩ thuật đặc biệt là hàng rào về chất lượng có thể khiến cho hàng xuất khẩu Việt Nam mất đi những lợi thế cạnh tranh tương đối.

Tất cả những yếu tố kể trên đều có thể tạo ra rủi ro, bất lợi cho tăng trưởng Việt Nam vào năm sau.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm