21 vụ tiêu cực, tham nhũng trong ngành ngân hàng

Trong 5 tháng đầu năm nay, ngành ngân hàng phát hiện 21 vụ tiêu cực, tham nhũng với số tài sản vi phạm hơn 682 tỷ đồng; 5.612 chỉ vàng và 50.000 USD. Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng đã thu hồi được hơn 8,2 tỷ đồng, xử lý 30 cán bộ liên quan.

21 vụ tiêu cực, tham nhũng trong ngành ngân hàng
Trong số hàng trăm tỷ đồng thất thoát qua các vụ tiêu cực, ngành ngân hàng mới thu hồi được 8,2 tỷ đồng Ảnh minh họa: Ngọc Châu.

 

14 cán bộ bị bắt giam

 

Thông tin trên được Thanh tra Chính phủ (TTCP) thu thập trong quá trình kiểm tra, nắm tình hình, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) 6 tháng đầu năm 2013. Cũng theo TTCP, trong số các cán bộ sai phạm trên, có 14 người đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra; 2 người bị cách chức; 11 người bị sa thải, chuyển công tác khác...

Sáu tháng, một trường hợp từ chối “phong bì”

 

Theo thông tin từ TTCP, trong 6 tháng đầu năm có một trường hợp trong ngành thanh tra từ chối “phong bì”. Cụ thể, khi thanh tra việc sử dụng kinh phí phòng chống lũ tại xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp), đoàn thanh tra của huyện đã từ chối cơm mời và 5 triệu đồng của Chủ tịch UBND xã biếu, báo cáo lãnh đạo UBND huyện.

 

Cũng theo TTCP, trong 6 tháng đầu năm 2013, các cơ quan thanh tra phát hiện 6 vụ, 35 đối tượng có hành vi liên quan tham nhũng, gây thiệt hại cho ngân sách 1,7 tỷ đồng và có hành vi tham nhũng số tiền 755 triệu đồng. Bên cạnh đó, qua công tác giải quyết khiếu nại tố cáo; công tác kiểm tra của Đảng và tự kiểm tra nội bộ cũng đã phát hiện 12 vụ, 16 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền hơn 8 tỷ đồng.

 

Đáng chú ý, Bộ Quốc phòng phát hiện một đối tượng có dấu hiệu tham ô 8,1 tỷ đồng và đã chuyển cơ quan điều tra hình sự khởi tố vụ án để điều tra. Lực lượng cảnh sát điều tra khởi tố mới 49 vụ, 99 bị can; kết thúc điều tra 31 vụ, 111 bị can.

 

Một lãnh đạo TTCP cho rằng, việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã bảo đảm duy trì trật tự, kỷ cương xã hội, tăng cường niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác PCTN. Đồng thời, cũng giúp các cấp, các ngành phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội, từ đó khắc phục những tồn tại, yếu kém, đưa ra các giải pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng phù hợp hơn.

 

Chưa kiểm soát được tài sản người có chức vụ

 

Trong công tác kê khai tài sản, thu nhập, TTCP đánh giá, hầu hết cán bộ thuộc diện kê khai đã kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Bước đầu hình thành tài liệu về bản kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, phục vụ công tác quản lý cán bộ, công chức. Song vẫn còn một số đơn vị thống kê, báo cáo không đúng thời gian quy định, số liệu còn trùng lắp, chưa chính xác. Có 58 trường hợp bị xử lý kỷ luật do chậm kê khai, chậm tổng hợp, báo cáo (18 trường hợp ở Bình Phước và 40 trường hợp ở TPHCM).

 

Mặt khác, TTCP cũng cho rằng, việc xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai còn ít do chưa có cơ quan, tổ chức có thẩm quyền làm đầu mối quản lý, theo dõi, chủ động tiến hành xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập; chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Hơn nữa, việc công khai, minh bạch trên các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng còn có những hạn chế nhất định, như thực hiện chưa tốt các quy định về công khai minh bạch trong việc xác định giá, đấu giá tài sản doanh nhiệp nhà nước khi cổ phần hóa; công khai việc đền bù hỗ trợ, bồi thường khi thu hồi đất; việc thực hiện các quy định về đấu thầu…

 

Theo Lê Dương

Tiền Phong