19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn kinh doanh ra sao?

Ghi Du

(Dân trí) - Giai đoạn 2018-2021, tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đạt 3,35 triệu tỷ đồng, lãi trước thuế hơn 278.500 tỷ đồng.

Hoạt động từ 29/9/2018, đến nay, sau 4 năm, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) - cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
hiện nay - ghi nhận những thay đổi tích cực. 

Sự thay đổi tích cực được thể hiện thông qua việc các tập đoàn, tổng công ty thuộc CMSC đã nhanh chóng chuyên môn hóa, tập trung vào ngành, lĩnh vực nắm giữ vai trò quan trọng được Nhà nước giao như điện, dầu khí, khoáng sản, xăng dầu, viễn thông; sắp xếp tái cơ cấu để tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành...

Kết quả kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có nhiều khởi sắc

Tại thời điểm 31/12/2018, vốn và tài sản của 19 tập đoàn, tổng công ty CMSC tiếp nhận, cụ thể như sau: Tổng tài sản công ty mẹ là 1,64 triệu tỷ đồng, chiếm 63,5% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước; tổng vốn chủ sở hữu công ty mẹ là 911.350 tỷ đồng.

Đến năm 2020, tổng tài sản hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty là 2,39 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2016, chiếm 65,3% tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước; tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1,08 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2016, chiếm gần 63% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước.

19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn kinh doanh ra sao? - 1

Sau khi được chuyển giao về Ủy ban, nhiều dự án yếu kém đã có bước chuyển mình (Ảnh: CMSC).

Về kết quả sản xuất kinh doanh, giai đoạn sau khi được chuyển giao về Ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty ngoài triển khai có hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Các đơn vị này cũng đóng vai trò then chốt trong việc góp phần bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và dân sinh về năng lượng, viễn thông, lương thực… là công cụ để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường và dịch bệnh.

Giai đoạn 2018-2021, đối với công ty mẹ, 19 tập đoàn, tổng công ty có tổng doanh thu đạt 3,35 triệu tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 204.606 tỷ đồng, thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách đạt 278.514 tỷ đồng.

Còn đối với báo cáo hợp nhất, tổng doanh thu đạt trên 5,46 triệu tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt trên 378.100 tỷ đồng, thuế và các khoản phát sinh phải nộp ngân sách đạt trên 839.500 tỷ đồng.

Kết quả trong phát triển nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước

Chia sẻ về những kết quả đạt được qua từng năm, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, cho biết Ủy ban đã tiếp nhận và thực hiện đầy đủ, toàn diện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty theo quy định.

Qua 4 năm hoạt động, CMSC đã thực hiện ngày càng chuyên nghiệp hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp, đạt được nhiều kết quả tích cực đối với việc phát triển nâng cao hiệu quả DNNN.

Nhiều dự án đầu tư được Ủy ban phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, triển khai thực hiện, trong đó có 10 dự án lớn, quan trọng, đã chậm tiến độ từ nhiều năm trước, với tổng mức đầu tư lên tới 259.000 tỷ đồng. Chẳng hạn như dự án thăm dò khai thác dầu khí 4 lô tại Khu tự trị Nhenhexky - LB Nga (khoảng 89.000 tỷ đồng); dự án Nhà máy điện Yaly mở rộng (tổng mức đầu tư 6.399 tỷ đồng); dự án Nhà máy điện Hòa Bình mở rộng (tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng); dự án Nhà máy điện Ô Môn IV (tổng mức đầu tư 29.944 tỷ đồng)…

19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn kinh doanh ra sao? - 2

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh vai trò của Ủy ban trong xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.

Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, một trong những nhiệm vụ quan trọng không thể không nhắc đến trong 4 năm qua, đó là vai trò của Ủy ban làm cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.

Cụ thể, trong 5 dự án, doanh nghiệp được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giao Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sử dụng nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp để xây dựng, triển khai phương án xử đã có một dự án (Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1- Hải Phòng của Công ty cổ phần DAP - Vinachem) từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và đã hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022; một dự án (Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ - PVN) có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong 7 dự án, doanh nghiệp còn lại có 3 dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón đã duy trì được sản xuất, kinh doanh. Mặc dù, đến ngày 30/6 còn lỗ lũy kế 13.394 tỷ đồng song từ năm 2021 đến nay, do thị trường thuận lợi (giá phân bón cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây), nên kết quả sản xuất, kinh doanh của 3 dự án, doanh nghiệp có cải thiện hơn (năm 2021 giảm lỗ; 6 tháng đầu năm 2022 đã có lãi và trả được một phần nợ cho ngân hàng).

Đặc biệt, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (dự án TISCO2), ngày 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát, làm việc tại dự án. Thủ tướng nêu rõ tinh thần tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề đặt ra của dự án trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, bám sát các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Bộ Chính trị, kết luận thanh tra.

Sau đó, Ủy ban đã chỉ đạo VNS, TISCO và trực tiếp tham gia đàm phán với Công ty Hữu hạn Tập đoàn Khoa học công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (MCC) để thảo luận các phương án. Ủy ban đang chỉ đạo các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục nội bộ của phía Việt Nam, đồng thời làm việc trực tiếp với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và có công hàm đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam báo cáo cấp có thẩm quyền phía Trung Quốc, hỗ trợ điều phối với các cơ quan chức năng của Trung Quốc trong việc tạo điều kiện cho MCC tổ chức đoàn sang Việt Nam.

Nắm bắt thời cơ để hoàn thành mục tiêu đề ra

Theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, số lượng công việc Ủy ban phải giải quyết trong 4 năm qua rất lớn. Ủy ban tham gia với các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật, đơn cử; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; làm rõ về lĩnh vực đầu tư, thẩm quyền quyết định dự án đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước…

Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Ủy ban sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tập đoàn, tổng công ty phục hồi và phát triển; đẩy mạnh giám sát tài chính, giám sát đầu tư, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm và kiện toàn đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp.

Các tập đoàn, tổng công ty cần nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức để hoàn thành mức cao nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư kịp thời để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư kinh doanh quan trọng; tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước bảo đảm đúng kế hoạch và công khai, minh bạch.

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh khẳng định, Ủy ban sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động để thực hiện tốt hơn; rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý còn bất cập, chưa đồng bộ.

"Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ năm khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đề ra mục tiêu: Chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp".

Ngày 3/2/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và ngày 29/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thực hiện quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đến ngày 15/11/2018, Ủy ban đã tiếp nhận chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ 5 Bộ. Trong đó có 13 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ; 6 tập đoàn, tổng công ty là công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối".